Non nước Việt Nam

Mời trầu - nét đẹp văn hóa của người Mường

Cập nhật: 01/03/2021 09:27:09
Số lần đọc: 1139
Ngoài những cư dân bản địa Êđê, M’nông…, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cộng đồng dân tộc phía Bắc di cư vào làm ăn, sinh sống mang theo những nét văn hóa đặc trưng, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của tỉnh.


Các cụ bà ở thôn 6, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) mời nhau dùng trầu. Ảnh: Ngọc Sơn

Trong đó, đồng bào Mường từ các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa… vào lập nghiệp, chủ yếu sinh sống ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), các xã Ea Păl, Ea Ô, Ea Sar, Cư Elang, Ea Đar, Cư Ni, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar), xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), xã Hòa Sơn, Hòa Phong (huyện Krông Bông)…

Tuy đã xa quê đến lập nghiệp tại vùng đất mới nhưng cộng đồng người Mường ở Đắk Lắk vẫn lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán lễ nghi của tổ tiên. Một trong những nét đẹp văn hóa đó là tục mời trầu.

Xuất phát từ sự tích trầu cau lưu truyền từ đời các Vua Hùng, người Mường quan niệm ăn trầu để thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, giữa con người với con người, giữa con người với thần linh và gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Vì thế, trong tất cả các nghi lễ của người Mường không thể thiếu trầu cau. Bà Đinh Thị Nội (thường gọi Mệ Huyền) năm nay 82 tuổi, ở thôn 6 (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) kể, vào những ngày tết cổ truyền của dân tộc, bà con xứ Mường thường tổ chức cúng ở đình làng, đi trước là đội cồng chiêng, tiếp sau là mâm trầu cau rồi mới đến mâm lễ vật. Thường thì trái cau được để nguyên, nếu ít quá mới bổ cau ra chia, sau khi hạ lễ cúng thì người chủ tế sẽ mời mọi người cùng vui vẻ ngồi lại ăn trầu, trò chuyện.

Tục mời trầu ngày đầu năm mới được người Mường rất coi trọng. Trong ba ngày Tết, người Mường thường tổ chức thành đoàn đến chúc tết các gia đình trong làng, đi đầu là hai cụ cao niên, tiếp theo là đội đánh cồng chiêng, sau khi nhận lời chúc phúc năm mới thì gia chủ sẽ đáp lễ mời ăn trầu để thay cho lời cảm ơn. Ngoài ra, vào đêm 30 tháng Chạp âm lịch, khi các gia đình cúng mời tổ tiên về ăn Tết, bên cạnh những vật phẩm bánh, trái bày biện trên bàn thờ thì trầu, cau là thứ không thể thiếu…

Ông Trương Công Tự (80 tuổi, quê ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Tục ăn trầu của người Mường đã có hàng nghìn đời nay, gia đình nào cũng trồng cau trầu trong vườn để dùng. Theo quan niệm của đồng bào Mường, khi cúng tổ tiên hoặc người đã khuất thì lá trầu được để nguyên, cau thì có thể là cau tươi hoặc cau khô, còn khi mời trầu người sống thì phải là trầu được têm sẵn. Vì thế, những gia đình có người ăn trầu luôn têm sẵn một đĩa trầu có 5 miếng (thể hiện bàn tay có 5 ngón); mỗi khi gia đình có khách thân thiết đến chơi thì được chủ nhà mời ăn trầu, còn khi gia đình có việc hiếu hỉ, sau khi ăn trầu, trò chuyện thì trước khi tiễn khách, nếu có đông người chủ nhà hai tay bưng hai đĩa trầu trân trọng mời khách cầm về như một lời cảm ơn.

Ngoài ra, trong tục cưới truyền thống của người Mường, cả 6 lễ đều phải có đủ số lượng trầu cau theo quy định; trước ngày cưới nhà gái sẽ mời các cụ ông, cụ bà trong dòng họ đến têm trầu để chuẩn bị mời khách. Trong hầu hết các nghi lễ, trước khi mời trầu người Mường thường có những câu hát giao duyên như: “Tình nồng thắm quê Mường, tay em têm miếng trầu cay. Để gửi gắm ân tình cho má ai thêm hồng, môi thắm…”.

Trầu cau đã đi vào đời sống văn hóa Mường thật sâu đậm, tuy nhiên trước nhịp sống hối hả hiện nay, tục mời trầu đang dần bị mai một, thói quen mời trầu chỉ còn tồn tại ở lớp người cao tuổi vùng nông thôn. Mặc dù vậy, trầu cau vẫn giữ vai trò là lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ cúng, cưới hỏi…

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT