Non nước Việt Nam

Tết của người Hrê

Cập nhật: 24/02/2021 10:16:33
Số lần đọc: 990
Mỗi dân tộc, vùng miền đều có phong tục tập quán ăn Tết, đón năm mới khác nhau. Tết cổ truyền của người Hrê cũng vậy.

Người Hrê tổ chức ăn Tết không theo thời gian cụ thể, mà tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, làng xóm, họ có thể bàn bạc, thống nhất ngày tổ chức ăn Tết, đón năm mới. Đồng bào Hrê tổ chức ăn Tết theo làng (plây), hoặc có thể một vài gia đình, thậm chí một gia đình cũng có thể tổ chức ăn Tết. Thời gian từ tháng 1, hoặc tháng 2, thậm chí tháng 3 âm lịch, thường chọn vào những ngày giữa tháng, là những đêm trăng sáng để tiện cho việc sinh hoạt vui chơi giải trí... Trước khi tổ chức ăn Tết vài ngày, đại diện gia đình đi mời bà con họ hàng, bạn bè thân thuộc đến ăn Tết với gia đình, bởi nếu không có lời mời thì họ không đến. 

Ba ngày Tết của người Hrê có tên gọi: “Hei htock hla” (Ngày lên lá), “Hei kaq” (Ngày ăn) và “Hei ôq cajoh xêp” (Ngày uống rượu lạt). “Ngày lên lá” là ngày đầu tiên, tất cả mọi việc chuẩn bị cho ngày Tết đều thực hiện vào ngày lên lá (trừ lễ cúng cho con trâu, cho chiêng, cho ché). “Ngày ăn” là ngày tiếp khách, ngày ăn uống, sinh hoạt vui chơi giải trí... “Ngày uống rượu lạt” là ngày nghỉ ngơi, tùy thích, có thể đi thăm các gia đình trong làng với nhau mà không cần phải mời.

Tết cổ truyền của người Hrê không thể thiếu các nghi thức lễ cúng. Ngày đầu tiên (Ngày lên lá), gồm các lễ cúng: “Dọn nhà” (Wang hnim), là một nghi thức cúng được tổ chức vào lúc sáng sớm, cúng ngay cửa chính (’mang). Tất cả các thành viên trong gia đình đều phải có mặt để cùng tham dự. Lễ vật gồm một quả trứng gà sống, trầu, cau, thuốc lá, rượu... Ý nghĩa của việc cúng dọn nhà là xua đi những xấu xa, xui xẻo của năm cũ; đồng thời xin phép, báo tin với các thần linh cho gia đình tổ chức ăn Tết, đón năm mới; cầu mong sang năm mới gia đình có nhiều sức khỏe, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống... 

Cúng “Nước mạch” (Chem yeang dheack mong) là một nghi thức cúng được tổ chức ngay tại nước mạch của làng (xóm), đại diện các hộ gia đình tổ chức ăn Tết cùng tham dự lễ cúng. Các lễ vật gồm ba con gà, trầu, cau, thuốc lá, rượu, bánh tét... Lễ cúng này nhằm cầu chúc các vị thần linh (thần cây, thần nước) sang năm mới sức khỏe dồi dào, sinh trưởng tươi tốt... Trong khi đó, cúng “Tạ ơn ông bà” (Klăh hwan, hoặc Taneo) là một nghi thức lễ cúng được tổ chức ngay cửa chính (’mang), vào lúc canh trưa hoặc buổi chiều. Các lễ vật gồm một con heo hoặc hai con gà (tùy điều kiện của gia đình), trầu, cau, thuốc lá, rượu, bánh tét... Đây là tục để gia đình tạ ơn ông bà qua một năm làm ăn, sinh sống, đồng thời cầu mong ông bà phù hộ cho gia đình sang năm mới vạn sự như ý...

Ngày thứ hai (Ngày ăn), những gia đình có nuôi trâu thì tổ chức cúng “Cho con trâu” (Cwai hpôơ zơ dhênh), được tổ chức ngay cổng chuồng trâu, vào lúc sáng sớm. Các lễ vật gồm hai con gà đã được luộc chín (một trống, một mái), hai con cá vợp con (chừng hai ngón tay) đã được phơi khô, bánh tét (loại bánh gói cặp), rượu, muối, gạo, rau khoai lang luộc, (hoặc rau cải), trầu, cau, thuốc lá... Qua đó, cầu mong cho con trâu luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt... Những gia đình có chiêng, có ché quý thì tổ chức cúng “Cho chiêng” (Pot ca chinh), cúng “Cho ché” (Pot ca vajei). Các lễ vật cúng cho chiêng, cho ché là một con gà (trống hoặc mái), đọt lá rau rừng được xắt nhỏ, trộn với huyết sống của con gà để bôi lên chiêng, ché sau khi cúng xong, với ý nghĩa làm mát cho chiêng, cho ché, để hồn chiêng, hồn ché không bị đi lạc, đi xa, luôn gần gũi, mãi trong nhà...

“Ngày ăn” là ngày chính thức của ba ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng có khách đến ăn Tết (kaq dhênh). Những gia đình có thông sui gia chưa tổ chức đám cưới hoặc mới tổ chức đám cưới trong năm, người ta tổ chức đoàn khách ăn Tết với nhau hàng chục người, giống như đi họ ngày cưới vậy. Thức ăn ngày Tết cổ truyền của người Hrê gồm cơm, bánh tét, thịt heo, thịt gà luộc, cá, tôm sông muối chua (vazôơq), cá sông phơi khô trên giàn bếp (ca ghiaq), thịt rừng phơi khô trên giàn bếp (zăm kroh)... Đồ uống là rượu cần (ca joh), rượu trắng (alac) được nấu từ bã rượu cần hoặc mua của người Kinh. Khi khách ăn cơm xong, gia đình mời khách uống rượu cần. Bên ché rượu cần, họ vừa uống vừa tâm sự, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cho nhau và không thể thiếu những tiếng chiêng, tiếng đàn vinh vút, hát đối đáp với nhau (tăh hchôi)... tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng./.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT