Áo bà ba, khăn rằn - Nét đẹp bình dị của người phụ nữ Xứ Dừa
Nếu những cô gái Xứ Huế thướt tha trong tà áo dài màu tím mộng mơ; những người phụ nữ Bắc Bộ duyên dáng với chiếc áo tứ thân thì những người phụ nữ Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung lại dịu dàng trong tà áo bà ba kết hợp cùng chiếc khăn rằn bình dị quấn quanh cổ. Không biết tự bao giờ, hình ảnh chiếc áo bà ba và khăn rằn đã đồng hành cùng người phụ nữ Xứ Dừa như một y phục đặc trưng cho sự mộc mạc, thuần khiết và toát lên tính cách đôn hậu, dung dị khiến bao du khách say lòng.
Chợ Lách Bến Tre (Ảnh: TTXTDLBT)
Hiện nay, chưa có tài liệu nào có thể xác định rõ nguồn gốc của áo bà ba có từ khi nào và từ đâu. Tuy nhiên, có giả thiết cho rằng áo bà ba đã xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19 và được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân từ chiếc áo của người dân trên đảo Penang (Malaysia), Một giả thiết khác lại cho rằng áo bà ba được cách tân từ áo lá và áo xá xẩu với kiểu áo cứng, xẻ giữa và có cài nút thắt được may bằng vải buồm đen của người Hoa. Dù nguồn gốc của chiếc áo bà ba vẫn chưa thể xác định chính xác nhưng ắc hẳn áo bà ba đã xuất hiện từ rất lâu, là một trang phục truyền thống quen thuộc của người Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Ngày xưa, áo bà ba là trang phục chủ yếu dành cho người lao động với chất liệu vải thô, cứng có màu nâu hoặc đen kết hợp với quần đen rất phù hợp cho người nông dân đi làm đồng, trồng trọt vì dễ giặt và nhanh khô. Dần theo thời gian, không biết tự bao giờ chiếc áo bà ba lại được nhiều người ưa chuộng và không phân biệt lứa tuổi, nam nữ hay sang hèn. Ngày nay, áo bà ba luôn song hành cùng người phụ nữ Xứ Dừa vào các dịp lễ hội, Tết cổ truyền lẫn trong công việc ngày thường, điều này càng làm tô điểm thêm nét duyên dáng và trở thành biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn thanh cao cũng như vẻ đẹp văn hóa truyền thống của phụ nữ nơi đây.
Áo bà ba vốn là một trang phục giản dị và nền nã. Kiểu dáng của chiếc áo rất tinh tế, thường là kiểu không có cổ; đa phần là kiểu cổ tròn hoặc hình trái tim tùy theo sở thích của người mặc; thân trước của áo gồm hai mảnh với dải khuy cài chạy dài từ trên xuống và thân phía sau thì lại may bằng một mảnh vải nguyên; đặc biệt, áo thường được chít eo và xẻ tà vừa phải bên hong để làm tôn dáng cho người con gái Nam Bộ. Hơn nữa, việc kết hợp áo bà ba với chiếc quần ống rộng có màu đen hoặc trắng bằng chất liệu vải gấm, lụa thì sẽ làm tăng thêm nét duyên dáng, uyển chuyển và thanh thoát cho người mặc.
(Ảnh: TTXTDBT)
Ngược dòng thời gian, Bến Tre vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt" với lịch sử đấu tranh chống giặc hào hùng. Trong những năm tháng ác liệt nhất, chiếc áo bà ba đã đồng hành cùng người phụ nữ Xứ Dừa qua bao cuộc kháng chiến, nổi bật nhất vẫn là phong trào Đồng Khởi với hình ảnh huyền thoại mãi đi vào lịch sử của “Đội quân tóc dài" kiên trung, bất khuất trong tà áo bà ba kết hợp khăn rằn tay vươn cao bó đuốc lá dừa vừa mạnh mẽ lại vừa đôn hậu.
Chiếc khăn rằn tưởng chừng như chỉ là một vật dụng quá đỗi đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc, là chiếc khăn đơn sơ để các má, các chị, các em dùng để thấm những giọt mồ hôi trong mưa bom bão đạn, để lau khô những dòng nước mắt hạnh phúc lẫn chia ly, để trao yêu thương hay hòa quyện niềm vui trong ngày hòa bình,…Thế nên chiếc áo bà ba cùng với khăn rằn đã trở thành một sự kết hợp vô cùng tiện lợi cả trong chiến tranh lẫn trong lao động và trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc rất riêng của người con gái Xứ Dừa.
Cùng với các trang phục truyền thống khác, chiếc áo bà ba ngày càng khẳng định vị thế riêng, không chỉ xuất hiện trong cả thơ ca lẫn âm nhạc mà còn trong các cuộc thi sắc đẹp uy tín hay các ngày hội lớn ở Nam Bộ. Tại Bến Tre, trong khuôn khổ Lễ hội Dừa lần thứ V năm 2019 đã diễn ra sự kiện “Ngày hội áo bà ba" với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của gần 2000 người tạo nên một bức tranh đầy màu sắc và gây ấn tượng sâu đậm cho các du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại ngày hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre Phạm Thị Thanh Thảo đã nhấn mạnh: “Áo bà ba đã và đang gửi một vẻ đẹp thuần khiết, nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế và cùng nhìn về tương lai của sự thân thiện, bền vững". Ngoài ra, phần thi áo tắm của cuộc thi “Người đẹp Xứ Dừa năm 2019" cũng được thay thế bằng phần thi mặc trang phục áo bà ba nhằm tôn vinh nét đẹp dịu dàng, kín đáo, trang nhã và tinh tế của người phụ nữ nơi đây.
lần V năm 2019 (Ảnh: TTXTDLBT)
Du lịch “Sinh thái sông nước Xứ Dừa" ngày càng khẳng định được thương hiệu và thu hút nhiều du khách đến tham quan. Hình ảnh quen thuộc nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước vẫn là hình ảnh người con gái Bến Tre với vóc dáng nhỏ nhắn, nụ cười tươi, nhẹ nhàng, duyên dáng trong tà áo bà ba quấn khăn rằn nhưng lại mạnh mẽ vững tay chèo đưa du khách len lỏi qua những con rạch, con sông để hòa mình vào khung cảnh thanh bình nơi đây. Còn gì thích thú bằng khi bất chợt các cô gái chèo xuồng lại cất lên những điệu hò thân thương và ngọt ngào:
“Hò ơi! Bến Tre dừa xanh bát ngát,
Đường đi Ba Vát gió mát tận xương.
Em về Chợ Giữa, Giồng Trôm,
Đừng quên Chợ Lách, Cái Mơn đợi chờ!"
Ngày nay, các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Bến Tre ngày càng chú trọng đến việc phục vụ để làm hài lòng du khách, trong đó đặc biệt chú trọng đến cách ứng xử và trang phục của các nhân viên. Nhiều điểm du lịch tại nơi đây đã để nhân viên mặc đồng phục áo bà ba quấn khăn rằn phục vụ du khách hoặc du khách cũng có thể thuê áo bà ba với nhiều kiểu dáng từ truyền thống đến cách tân hiện đại để mặc nhằm tạo sự dễ dàng, thoải mái trong việc chơi các trò chơi trải nghiệm hay đơn giản chỉ là tìm về sự bình dị, mộc mạc và gần gũi như trong khí ức thời thơ ấu ngày xưa.
(Ảnh: Lê Luông)
Cuộc sống ngày càng hiện đại, đất nước ta có nhiều cơ hội tiếp thu các nền văn hóa nước ngoài du nhập vào nhưng chiếc áo bà ba và khăn rằn vẫn luôn là hình ảnh “hương đồng gió nội" mang nét duyên thầm chứa đựng bao giá trị văn hóa truyền thống cần được giữ gìn của người phụ nữ Xứ Dừa nói riêng và Nam Bộ nói chung./.