Kèn lá cùng đồng bào Dao Thanh Y đón xuân về
Các bà, các mẹ người Dao Thanh y làm kèn lá đón xuân.
“Tố hột tố hột.....” là âm thanh đầu tiên của cây kèn lá, mà người Dao Thanh Y gọi “Cum bé”. Đây là một loại nhạc cụ đơn sơ, nhưng rất độc đáo. Bởi người Dao Thanh Y chỉ thổi chiếc kèn lá khi bản làng đã thu hoạch xong mùa màng, bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 12 âm lịch và khi những bông hoa đào đã chúm chím nụ thì đây cũng là dịp để những chàng trai, cô gái Dao Thanh Y, cầm chiếc kèn lá, tấu lên những âm thanh trầm bổng thay lời tâm tình ngày xuân.
Kèn lá là loại nhạc cụ đơn giản, dễ tìm nhất, không mất thời gian chế tác. Tuy nhiên, để thổi hay, trọn vẹn một điệu nhạc lại không đơn giản, bởi còn tùy thuộc vào sự khéo léo khi chọn thân kèn, và lá để cuốn loa kèn. Để làm được chiếc kèn lá thì người làm kèn phải chọn thân kèn bằng tre, nứa dài 25cm- 30cm. Một đầu được cuốn chặt bằng lá dứa rừng, lá mía, hoặc lá bông lau để cuốn thành hình chiếc loa. Ở phần đầu của chiếc kèn được gọt mỏng và dùng dao sắc cắt lưỡi kèn để khi thổi tạo ra âm thanh.
Phần đuôi của chiếc kèn lá được khoét một lỗ nhỏ để tạo vần nhịp. "Để làm được một chiếc kèn lá như ý thì cần phải chọn một đoạn tre già nhưng phải còn tươi, không bị sâu, dài khoảng 25cm-30cm, đoạn tre tròn và có độ rỗng rộng thì khi thổi âm thanh phát ra mới trầm bổng như ý được. Sau đó phải lựa lá mía hoặc lá bông lau để cuốn thành chiếc kèn đơn sơn. Tuy nhiên không phải lá cây nào cũng làm được kèn, phải chọn lá phù hợp, còn nguyên vẹn và tươi tốt, sau đó tước bỏ sống lá. Nếu lá héo thì không thể làm được kèn”- Bà Phùng Thị Mản, dân tộc Dao Thanh Y ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm.
Âm vực chiếc kèn lá của người Dao Thanh Y chỉ có thể tạo ra hai giai điệu chính. Kèn lá diễn tả những âm thanh mang nét đặc thù của tự nhiên, tùy theo tài nghệ và tâm trạng người thổi. Tuy là nhạc cụ đơn giản, nhưng kèn lá có thể phát ra những giai điệu trầm bổng. Người sử dụng kèn lá để độc tấu hoặc có thể thổi đôi. Mặc dù chiếc kèn lá được người Dao Thanh Y sử dụng như một loại đồ chơi, nhưng bà con chỉ làm và sử dụng vào mùa đông cho đến mùa xuân bởi người Dao Thanh Y quan niệm rằng nếu thổi kèn lá không đúng mùa thì âm thanh của nó sẽ lấy đi cái hồn của cây lúa, cây ngô làm cho mùa màng của bản làng thất thu.
Chính vì vậy kèn không được sử dụng tùy tiện mà chỉ được dùng từ tháng 9 đến hết tháng 12 âm lịch và đón mùa xuân. Chị Phùng Thị Mai, thôn Khe Phạ, xã Bắc Láng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho rằng: “Trải qua thời gian, thay đổi của cuộc sống hiện đại, lại không thường xuyên được làm và sử dụng chiếc kèn lá, nhưng tình yêu và sự gắn bó của người Dao Thanh Y với cây kèn lá vẫn vậy. Tiếng kèn lá được người Dao cất lên khi mùa màng đã thu hoạch xong cũng là khi bà con được nghỉ ngơi. Đặc biệt, trong những ngày xuân, tiếng kèn lá lại được cất lên khiến cho bản làng càng náo nhiệt, vui tươi”.
Vào những ngày xuân, khi tiếng kèn lá được cất lên với những tiết tấu, giai điệu khác nhau, khi như thôi thúc lòng người, khi thì lắng đọng, thong thả ví như cuộc sống bình dị vốn có ở miền sơn cước. Trong đời sống của đồng bào người Dao Thanh Y, chiếc kèn lá ẩn chứa ý nghĩa thiêng liêng. Chiếc kèn lá như là người bạn thân thiết để bày tỏ những cảm xúc yêu thương, những nhớ mong, khát vọng của các chàng trai, cô gái. Những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của bất kỳ ai đã một lần được nghe.
"Những chàng trai, cô gái người Dao Thanh Y thường dùng những âm thanh kèn lá thay cho lời tâm tình, trò chuyện trong những đêm hẹn hò. Cứ thế họ nhắn nhủ tâm tư, tình cảm cho người mình yêu mến thông qua tiếng kèn lá và đáp lại tiếng kèn ân tình đó từ đối phương”- Anh Bàn Hồng Lương ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập chia sẻ.
Kèn lá có ý nghĩa là vậy nên ngày nay, đồng bào người Dao Thanh Y vẫn luôn gìn giữ chiếc kèn lá như nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình./.
Chẻo Thu/VOV-Tây Bắc