Non nước Việt Nam

Tục lệ đặt bánh gio cúng các vật dụng trong ngày Tết của dân tộc Tày

Cập nhật: 18/02/2021 08:37:41
Số lần đọc: 740
Những ngày đầu năm mới, có dịp đến với các bản làng người Tày ở Cao Bằng, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc bánh gio được đặt trên đồ dùng, vật dụng trong nhà. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Tết Nguyên đán là dịp tổng kết lại một năm lao động, là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Để có mùa màng tươi tốt, thu hoạch được nhiều nông sản thì người nông dân không thể thiếu các nông cụ, máy móc hỗ trợ như: máy cày, bừa, dao, cuốc, xẻng… Chính vì thế mà khi Tết đến, người Tày ở một số nơi có tục lệ đặt bánh gio cúng các vật dụng và lương thực trong nhà như một sự biết ơn đối với chúng vì đã đồng hành cùng người nông dân trong suốt vụ mùa vừa qua, cũng như cầu cho một năm mới làm ăn suôn sẻ, thuận lợi.

Theo tục lệ, sáng mùng một Tết, mỗi nhà đặt một chiếc bánh gio lên trên các loại nông cụ sản xuất, bồ đựng thóc, lúa. Ngày nay, nhiều gia đình sắm thêm máy cày, xe máy… thì người ta cũng đặt bánh lên đó. Hoặc có nhà đặt bánh lên cả giá sách, bàn học để cầu cho con em mình học hành tiến bộ. Trong không khí tất bật, rộn ràng của ngày đầu năm, khi người lớn đang chuẩn bị các món ăn truyền thống để cúng tổ tiên, công việc cúng bánh gio sẽ được dành cho người trẻ tuổi trong gia đình.

Những chiếc bánh gio được gói cẩn thận, tỉ mỉ, bên trong bánh vàng óng và thơm mùi đặc trưng của gio được đốt từ các loại cây rừng để cúng bằng tất cả sự trân trọng và biết ơn. Thường thì cúng đến cuối ngày, gia chủ sẽ đi thu lại bánh. Có lẽ bởi vì vậy mà Tết của người Tày thường chuẩn bị nhiều kẹo, bánh, mỗi nhà rục rịch chuẩn bị từ sớm để có một cái Tết trọn vẹn, đầy đủ.

Bên cạnh đó, còn có nhiều tục lệ thú vị như dán giấy đỏ vào xe cộ để cầu cho đi lại thượng lộ bình an hay dán vào cây cối để cây đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái… Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt nói chung đã có từ lâu đời, cùng với tục thờ cúng tổ tiên và các vật dụng trong nhà của người Tày ở Cao Bằng có ý nghĩa lớn lao trong văn hóa dân tộc, giúp giữ gìn lối sống tốt đẹp, nhân văn, bày tỏ lòng biết ơn, thành kính đến ông bà, tổ tiên và cũng là để nhắc nhở con cháu nhớ đến công lao của cha ông cũng như sự giúp đỡ của các loại công cụ, máy móc tạo ra nhiều của cải, vật chất, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng no ấm và tốt đẹp hơn.

Tết ở Cao Bằng đặc sắc, độc đáo bởi có những phong tục, tập quán thú vị của người Tày, Nùng và các dân tộc anh em. Những giá trị tốt đẹp đó được truyền từ đời này sang đời khác và được phát triển sao cho phù hợp với từng thời kỳ. Mỗi khi nhắc đến Tết hay chuẩn bị đón Tết, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trong lòng mỗi chúng ta đều cảm thấy xúc động xen lẫn niềm tự hào đầy thiêng liêng về Tết cổ truyền của dân tộc./.                

Mai Chi

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT