Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ hội rượu cần dân tộc Kháng

Cập nhật: 08/04/2019 14:48:31
Số lần đọc: 1612
Là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời tại huyện Quỳnh Nhai, Sơn La đồng bào dân tộc Kháng có nhiều lễ hội truyền thống, mang đậm sắc màu tín ngưỡng đặc trưng, lễ hội rượu cần là nét văn hóa mang dấu ấn riêng của dân tộc Kháng.

Mang đậm dấu ấn văn hóa riêng

Không ai còn nhớ rượu cần có từ bao giờ, nhưng trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Kháng thì vò rượu cần không thể thiếu khi nhà có khách đến thăm, hay mỗi dịp vui chơi, lễ tết của bản. Và cũng từ xa xưa, lễ hội rượu cần được đồng bào người Kháng tổ chức hàng năm, vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, với ý nghĩa cầu mong một năm mới mọi người mạnh khỏe, đoàn kết, mọi gia đình đều có cái ăn, cái mặc, bản làng no ấm, trù phú. Lễ hội rượu cần là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Kháng, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, chúc cho mọi người có sức khỏe, làm ăn phát tài.

Lễ hội rượu cần chỉ có phần hội chứ không có phần lễ cúng như các lễ hội khác. Trên một khoảng đất rộng bằng phẳng, người ta đặt một cây nêu, bên trên trang trí nhiều đồ vật như: Dải hoa vải, trống chỉ, quả còn, con ve, chim cu, hoa ban, hoa mạ... xung quanh cây nêu là 3 vò rượu cần lớn và một chum nước sạch. Bắt đầu lễ hội, những người phụ nữ trong trang phục truyền thống của dân tộc Kháng sẽ cầm những chiếc gậy tre dài khoảng 1,2 m, đập xuống đất theo nhịp 3 - 3, đồng thời, múa điệu Tăng Bu xung quanh những vò rượu. Tiếp đó, 3 người đàn ông sẽ đến múc nước từ chum vào vò rượu cần bằng một chiếc sừng trâu nhỏ mời khán giả đứng xem quanh đó uống rượu chung vui. Theo phong tục của đồng bào Kháng, mỗi người khách khi được mời rượu sẽ phải uống tối thiểu 2 “sừng”, tức 2 lần đổ nước từ chiếc sừng trâu rồi mới được đứng dậy. Điều này thể hiện tính hiếu khách của gia chủ, ngược lại, nếu những người khách không uống hết rượu sẽ bị coi là không tôn trọng người mời.

Trong lễ hội rượu cần người phụ nữ Kháng thường mặc áo cóm màu xanh, đen, hồng, trắng, hoa, đỏ, vàng, tím; tay ngắn, vải thêu kim tuyến, hai bên ngực áo gắn miếng vải thiêu chỉ màu kim tuyến trên gắn một hào bạc, cổ áo và nẹp áo may gắn vải màu các loại, sau lưng áo gắn đồng bạc và gắn đồ trang sức hình bông hoa ban tạo thêm vẻ đẹp quý phái, sang trọng. Mặc váy màu đen, thắt lưng xanh, đeo yếm ghép vải muôn màu rực rỡ, đeo xà tích vòng lưng, tượng trưng cho núi rừng trùng điệp như muôn loài hoa hé nở, tôn vinh vẻ đẹp trang phục. Cổ đeo vòng bạc gắn dây xà tích, đầu đội khăn phiêu, búi tóc đeo thỏi bạc và chùm tua rua bằng chỉ các loại màu và sâu thành cánh hạt cườm, gắn với chùm chỉ màu thể hiện sự linh thiêng, xua tan điều không may mắn và tượng trưng cho muôn hoa tươi thắm.

Quảng bá nét đẹp văn hóa tới du khách

Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng không chỉ nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh văn hóa của các dân tộc huyện Quỳnh Nhai đến đông đảo du khách gần xa, góp phần thu hút khách du lịch. Tới tham dự lễ hội rượu cần du khách được thưởng thức những điệu múa đặc sắc của đồng bào dân tộc Kháng như: Múa Tăng bu, múa mẹt hoa, múa au eo (khơ mú), múa khăn, múa cơ dơng.

Múa Tăng bu: Là một điệu múa gần gũi nhất của dân tộc Kháng, được làm từ cây nứa, múa vây quanh chum rượu cần, là đạo cụ quen thuộc để người Kháng tổ chức các lễ hội, có cây nêu dựng ở giữa chum rượu cần làm bằng cây tre, nứa dài 2 m và cắm ta leo, đỉnh cây nêu gắn con chim gỗ, giữa thân cây nêu cheo hình con cá, con ve, chân cây nêu đặt chậu nhôm đựng nước, gáo quả bầu, sừng trâu đong nước rót rượu, biểu tượng cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa tâm linh, là trụ cột vững chắc cho con người; cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh.

Múa mẹt hoa: Được bà con dân tộc Kháng dùng tre, nứa hoặc cây giang để đan thành mẹt với sự khéo léo của chị em đã tạo nên những nét hoa văn độc đáo đẹp mắt. Trên sân khấu là đạo cụ dùng để múa tượng trưng cho sự no đủ; đồng thời mẹt hoa cũng là vật dùng trang trí cũng như sinh hoạt hàng ngày và để phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ của dân tộc mình, được đông đảo bà con ưa thích.

Múa au eo: Cùng với bộ trang phục truyền thống áo cóm trang trí lung linh sắc màu đã tạo nên nét đẹp duyên dáng uyển chuyển kết hợp giữa chân tay và thân thể hòa với tiếng nhạc du dương; là điệu múa đã đi vào tiềm thức, thể hiện sự khéo léo, mềm dẻo cơ thể lưu luyện của mỗi con người.

Múa khăn nàng han: Cứ mỗi độ xuân về khắp núi rừng Tây Bắc hoa mận, hoa đào, hoa mơ đua nhau khoe sắc, hòa với tiếng chim hót, cùng với câu khắp dân ca Kháng, tiếng gọi mời người thương, tiếng trống, chiêng vang lên như mời gọi mọi người đến cùng thưởng thức vui chơi, mong muốn được cuốn hút những vẻ đẹp, điều hay vui chung niềm vinh hạnh đến với người thiếu nữ Kháng.

Múa cơ dơng (hưn mạy): Là đạo cụ trong những ngày hội văn hóa, văn nghệ, sân chơi trai gái, với làn nhạc nhỏ làm bằng cây nứa gõ vào bàn tay đi theo nhạc, đánh nhịp trống chiêng thể hiện tình cảm bền vững lâu dài như non nước ngàn năm.

Lễ hội rượu cần là một phong tục tín ngưỡng khẳng định bản sắc và dấu ấn riêng. Vì thế, vào mỗi dịp đầu năm mới, nếu có dịp về mảnh đất Quỳnh Nhai, hãy ghé thăm xã Chiềng Ơn để tham dự và tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của dân tộc Kháng nơi đây.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT