Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Các em gái Ê đê học cách sử dụng và trình diễn chiêng
Ngay sau sự kiện trên, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền, nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong đó có Đắk Lắk luôn có những quan tâm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của VHCC, để thông qua đó giới thiệu và góp phần đưa Tây Nguyên thành điểm đến của bạn bè, du khách gần xa.
Tại tỉnh Đắk Lắk, ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã mở nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, xem đây là nhiệm vụ then chốt trong việc bảo tồn cồng chiêng trong cộng đồng. Đồng thời, cũng nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các nghệ nhân mà giờ đây tiếng chiêng được vang lên đều đặn trong các lễ hội tại các buôn, làng trên địa bàn tỉnh.
Một trong những lớp học truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ được Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk tổ chức có đông các thanh thiếu niên tham gia là ở huyện Cư Kuin. Tham gia lớp học này có khoảng 40 thanh thiếu niên dân tộc Êđê, tuổi từ 14 - 18. Trong thời gian hơn 1 tháng, các em được 2 nghệ nhân lớn tuổi, am hiểu cồng chiêng truyền dạy một số kiến thức cơ bản về giá trị của cồng chiêng và cách đánh chiêng.
Em Y Ny Phan BKrông, Xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin cho biết, em rất thích theo học lớp chiêng này để biết được những phong tục của đồng bào mình. Vì những người trẻ như các em bây giờ ít người biết về nhạc cụ của dân tộc mình.
Nói về mô hình lớp học này, ông Đặng Gia Duẫn, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại Cư Kuin là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 05/2016 của HĐND tỉnh Đắk Lắk về “Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020”. Mục tiêu chính của chương trình truyền dạy này là giúp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho các em. Cũng thông qua việc truyền dạy sẽ giúp các buôn làng xây dựng đội chiêng tham gia các hội thi, hội diễn liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ; đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy Không gian VHCC Tây Nguyên, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.
“Năm 2005, Không gian VHCC Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và đến năm 2008 đã chuyển sang một cấp độ cao hơn đó là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VII năm 2019 vừa do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, Không gian VHCC Tây Nguyên luôn là một không gian đặc biệt quan trọng, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, đất và người Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Tại các sự kiện có đội cồng chiêng biểu diễn, luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đây thực sự là những tình cảm quý báu mà người hâm mộ, các bạn bè gần xa thể hiện tình cảm, tình yêu quý thực sự của họ đối với VHCC Tây Nguyên rất rõ nét”- ông Đặng Gia Duẫn, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Theo bà Linh Nga Niê KDăm, Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Tây Nguyên, với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống như: cúng lúa mới, cúng sức khỏe, cúng bến nước hay lễ bỏ mả… thường là do người đàn ông đảm nhận. Tuy nhiên, gần đây trong nhiều cộng đồng, trẻ em gái cũng được các nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng tre, chiêng đồng, như các trẻ em nam. Nhờ đó, nhiều buôn, làng hiện đã thành lập được đội chiêng nữ để tham gia biểu diễn, giao lưu trong các ngày hội văn hóa truyền thống. Đây cũng là điểm mới trong việc bảo tồn và duy trì nét văn hóa đặc trưng ở Tây Nguyên.
Cũng theo bà Linh Nga Niê KDăm, ngoài huyện Cư Kuin, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Văn hóa huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng đã mở lớp học đánh chiêng cho các em nữ tại buôn Êa Đun, xã Êa Kênh. “Có một thực tế là “cứ dạy bọn thanh niên trẻ biết đánh chiêng, xong rồi nó đi lấy vợ ở buôn khác thì lại mất người đánh. Có lẽ từ thực tế đó mà Krông Pắk đã có một, hai buôn dạy chiêng cho các chị em gái. Bởi vì các chị em thì sẽ sống lâu dài ở buôn làng hơn, dù có cưới chồng về thì cũng không đi đâu cả. Điều này rất hay, mặc dù trong tập quán của bà con trước đó là không có”- bà Linh Nga Niê KDăm cho biết thêm.
Theo em H’RôYa Ayun (Buôn Êa Đun, xã Êa Kênh, huyện Krông Pắk), khi em được tham gia lớp học đánh chiêng tại buôn Êa Đun, em đã cùng các bạn trong buôn đều háo hức và không kém phần hồi hộp. Vì trước đây, phụ nữ Ê đê không được sờ vào cồng, chiêng.
“Chúng em là nữ giới đánh chiêng cũng gặp nhiều khó khăn so với nam giới nhưng với lòng đam mê nên chúng em luôn cố gắng để học thành thạo đánh chiêng”- em H’RôYa Ayun chia sẻ.
Cùng tâm trạng phấn khởi như em em H’RôYa Ayun, chị H’Yenh AYun (Buôn Êa Đun, xã Êa Kênh, huyện Krông Pắk) cho biết: “Tôi muốn từ lớp chiêng này sẽ có nhiều nơi học hỏi làm theo và cùng lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bây giờ còn ít người biết đánh chiêng, nếu không có các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy lại thì cồng chiêng sẽ bị thất truyền. Vì thế tôi rất lo ngại, sợ tiếng chiêng của dân tộc mình không còn nữa. Từ đó, tôi mong muốn đội chiêng nữ cũng sẽ được nhân rộng”.
“Để việc bảo tồn, phát huy giá trị VHCC nói riêng và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, không nên phân biệt nam hay nữ trong việc truyền dạy đánh cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc khác”- Già làng AÊ Sinh, Buôn Êa Đun, xã Êa Kênh, huyện Krông Pắk khẳng định thêm: “Nếu nói về đánh chiêng thì hiện các cháu nữ đánh chiêng cũng không thua các cháu nam. Các cháu nữ thích học đánh chiêng và nếu có thời gian luyện tập, chắc chắn các cháu sẽ đánh thành thạo các bài chiêng”.
Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Tây Nguyên - bà Linh Nga Niê KDăm: “Việc tổ chức truyền dạy các lớp cồng chiêng cho các em nữ là điều rất đáng biểu dương. Không có tập quán gì mà không thay đổi được, bởi vì tập quán thì cũng được hình thành từ đời sống của con người mà ra. Ở tỉnh Gia Lai cũng có truyền dạy đánh ching, chêng trong các trường phổ thông dân tộc nội trú. Lúc đầu thì chỉ có các học sinh nam tham gia, nhưng về sau cũng có các học sinh nữ tham gia. Tôi cho rằng, thông qua việc truyền dạy cho trẻ em gái sẽ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy một cách bền vững văn hóa ching, chêng của người Tây Nguyên”.
Hy vọng với cách làm của tỉnh Đắk Lắk sẽ góp phần nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn và phát huy giá trị của VHCC Tây Nguyên; đồng thời, từ mô hình của Đắk Lắk, tới đây các tỉnh còn lại của Tây Nguyên cũng sẽ áp dụng để VHCC mãi vang ngân trên núi rừng Tây Nguyên./.