Non nước Việt Nam

Lễ hội chùa Thầy 2019: Khôi phục các giá trị văn hóa đặc sắc

Cập nhật: 08/04/2019 14:57:16
Số lần đọc: 1318
UBND huyện Quốc Oai, Hà Nội cho biết lễ hội chùa Thầy 2019 sẽ khôi phục nguyên bản và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể.


Chùa Thầy nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam)

Theo UBND huyện Quốc Oai, những năm gần đây, huyện Quốc Oai đã từng bước đổi mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Lễ hội chùa Thầy năm nay sẽ khôi phục nguyên bản và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể.

Cụ thể, về phần lễ, trên cơ sở tham vấn từ các nhà nghiên cứu, huyện Quốc Oai làm việc với đơn vị thiết kế và các cụ cao niên trong đội rước của 4 thôn để đầu tư, khôi phục trang phục tế lễ truyền thống mang dấu ấn đặc trưng của mỗi thôn, đưa vào thực hành nghi thức trong lễ hội.

Lễ hội năm 2019, toàn bộ các đội rước sẽ sử dụng thống nhất các mẫu trang phục theo từng vai vế. Trong phần hội, bên cạnh trình diễn múa rối nước trong suốt 3 ngày, các trò chơi dân gian truyền thống tiếp tục được tổ chức đan xen ở khu vực sân trung tâm trước hồ Long Trì và chùa Long Đẩu.

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội chùa Thầy năm nay, huyện Quốc Oai xây dựng bãi đỗ xe và điểm bán hàng tập trung diện tích 2,2 ha tại khu vực đường vành đai để trông giữ các phương tiện; di dời 45 kiot bán hàng ngoài cổng chùa ra khu vực bãi đỗ xe.

Đặc biệt, trong ba ngày diễn ra lễ hội từ ngày 9 – 11/4 (tức mùng 5 – 7 tháng Ba âm lịch), Ban tổ chức lễ hội sẽ không thu vé thắng cảnh tham quan di tích chùa Thầy, tạo điều kiện cho du khách đến hành lễ và tham quan. Mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức kỳ vọng thu hút 15 vạn du khách.

Chùa Thầy tên chữ là Thiên Phúc Tự, thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Lý, đến nay đã trên nghìn năm tuổi. Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở ba tòa của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Đặc biệt, tại gian giữa của tòa Điện Thánh (chùa Thượng) còn lưu giữ được 3 pho tượng Di đà tam tôn bằng gỗ mít, được coi là ba pho tượng đẹp vào bậc nhất nước ta vào thời nhà Lê (thế kỷ 16 để lại).

Chùa Thầy được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015, 3 pho tượng Di đà tam tôn được công nhận là bảo vật quốc gia./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT