Đặc sắc lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô
Nét đẹp văn hóa
Lễ rửa làng bắt nguồn từ một sự tích là một năm bao giờ cũng có cái may và cái rủi. Dù thu hoạch mùa màng vụ vừa rồi thắng lợi, nhưng người ta vẫn nghĩ tới rủi ro. Thế là họ phải rửa làng cho sạch sẽ, khang trang.
Lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô 3 năm tổ chức một lần thường là vào ngày 15/5 và 05/6 âm lịch, người dân trong vùng tập trung lại, họp bàn trong dòng họ dân tộc Lô Lô để bàn bạc chuẩn bị chọn ngày đẹp, mua đồ lễ, mời thầy cúng làm lễ. Theo phong tục người Lô Lô cúng xong 9 ngày sau không cho người lạ vào trong làng, với ý nghĩa người lạ vào làng là phần cúng đó không thành công, tà ma lại quay về. Và phạt người lạ đó mua lễ vật và bắt đầu cúng lại lần nữa.
Để cho lễ rửa làng thành công, không thể thiếu lễ xin các thầy cúng tiền bối. Thủ tục xin khá đơn giản, bao gồm; một chén nước, hương khói và giấy trúc (loại giấy chuyên dùng cho lễ cúng tế của người Lô Lô nhìn gần giống như giấy bản), một con gà trống. Trước hết thầy cúng thắp hương tại bàn thờ gia tiên, sau đó đặt giấy trúc, chén nước xuống một góc nhà để khấn xin. Sau đó thầy cúng bọc tờ giấy trúc lên chén nước, nếu nước trong chén không bị thấm hoặc đổ ra ngoài thì lễ xin phép mới linh nghiệm và lễ rửa làng mới thành công. Cuối cùng thầy cúng đốt tờ giấy trúc hoàn tất thủ tục cho lễ cúng. Tất cả những nghi lễ trên đều được tiến hành vào buổi tối ngày hôm trước tại nhà thầy cúng.
Đoàn cúng, ngoài thầy mo chính, còn có một thầy mo phụ, và vài người đàn ông trong bản. Tiếng trống đồng hòa với tiếng chiêng rộn rã. Đoàn người đi từng nhà để cúng, đuổi tà khí đang ẩn náu đâu đó nơi góc nhà, quanh đường, dưới xóm. Đồ tế lễ phải có rượu ngô, 2 con dê, 1 con gà trống trắng, cỏ danh tép thành dây dài, những thanh kiếm gỗ phu xi cho dê cõng, 1 thanh kiếm sắt, 3 cành lau, 3 cành đào nhỏ, 3 cành mận nhỏ, 1 miếng vải đỏ buộc vào nhau, hạt ngô,1 đôi sừng trâu, lấy 1 cây tre to dài tầm 3 m, đục ở bên trên miệng tre ở đoạn giữa của cây tre lấy đất đổ đầy lên miệng của cây tre rồi cắm hình nhân bằng giấy xanh, đỏ, tím, vàng, cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa cây tre, cây tre làm giả hình con ngựa. Đồng bào Lô Lô quan niệm rằng phải là mùi của hai dê mới đủ mạnh để đuổi tà khí.
Mong bản làng ấm no, hạnh phúc
Các trai bản chuẩn bị đồ lễ dâng cúng và 4 người phụ thầy, trong 4 người phụ thầy 2 người có trách nhiệm vắt cây tre giả con ngựa cắm hình nhân lên vai, 2 người còn lại trong đó: mỗi người dắt 1 con dê và cầm con gà trống trắng và các cành đào, mận, cành lau, vải đỏ theo sau thầy cúng và vừa đi vừa xua đuổi tà ma, người còn lại quấy hạt ngô theo sau đi vào từng gian nhà của gia chủ rồi ra cửa chính, kết thúc nhà thứ nhất.
Hình nhân xanh, đỏ, tím, vàng tượng trưng cho hồn ma, khi cắt hình nhân đặc biệt quan trọng, hình nhân phải giơ tay lên vì người Lô Lô quan niệm như vậy là hồn ma đang van xin, mỗi hình nhân tượng trưng với một sinh mệnh. Ban đầu phải cắt 90 hình nhân đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng... đến nhà nào thì gia chủ phải chuẩn bị hình nhân xếp trên bàn hoặc ghế chờ sẵn thầy trước cửa chính và 2 bó củi, 2 bó cỏ với ý nghĩa rằng bồi dưỡng công gánh xua đuổi tà ma ấy đi cho gia chủ. Cuối cùng thầy cúng đốt tờ giấy trúc hoàn tất thủ tục cho lễ cúng. Tất cả những thủ tục trên đã được làm lễ cúng vào buổi tối ngày hôm trước tại nhà thầy cúng.
Thầy cúng được hóa trang, trông khá là dữ dằn. Thầy cúng cất lời đe dọa ma xấu, rằng nơi đây không phải là nơi trú ngụ của ông, của bà. Ma chết bất đắc kỳ tử thì thầy cúng gọi luôn bằng “mày”. Thầy dậm chân, rắc ngô khắp xó nhà để dọa, hò hét, đập khua ầm ĩ. Thầy dọa thật ghê gớm: Đây không phải là nơi trú ngụ của chúng mày, phải ra đi, dứt khoát phải ra đi, nếu không thì sẽ bắn, sẽ chém!
Hò hét, xua đuổi tà khí xong, thầy cúng lấy hai mảnh gỗ có hình dáng như hai chiếc sừng bò ra tung để xem quẻ. Hai mảnh gỗ biểu hiện cho âm – dương được thả xuống đất, xem ma đi hay chưa. Nếu quẻ báo chưa đi thì thầy lại dậm chân đuổi tiếp bằng cách phun nước, phun rượu. Dấu hiệu ma chưa đi là hai cái sừng bò úp sấp, hoặc cả hai đều ngửa. Còn nếu ma đi rồi thì một sấp, một ngửa, tức là cái lành ở lại, còn cái dữ mang đi.
Hai con dê, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi khắp bản, vào từng nhà giúp thầy cúng đẩy đuổi tà ma, thì được đoàn người dẫn ra khu đất rộng giữa làng. Và khi đó, hai con vật có công lại phải trải qua một cuộc đau đớn để mang lại bình an cho dân làng. Đánh cho nó bằng kêu, kêu tới thấu trời, thì trời mới biết rằng làng đã làm lễ này. Con dê đó đã làm tròn nhiệm vụ, đẩy đuổi hết tà ma. Chuyện không lành ở làng này đã làm xong. Cái lễ này nó làm khang trang, sạch sẽ làng. Sạch sẽ từ tâm hồn cho tới cảnh quan. Người ta nghĩ rằng làm lễ đó rồi thì mưa thuận gió hòa, năm đó được mùa, yên tâm làm ăn. Mọi người phải ăn hết thịt, uống hết rượu mới được về, không ai được mang thịt, rượu về nhà. Nếu mang về thì tà ma sẽ theo mình về, và lần cúng đó không thành công. Quan niệm người Lô Lô ăn thịt, uống rượu phải hết tại đó thì làng bản mới ấm no, bình an, hạnh phúc - ông Lò Sì Páo (Thầy cúng - Trưởng thôn Sảng Pả A) cho biết./.