Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ cầu an của người Cao Lan (Tuyên Quang)

Cập nhật: 21/10/2019 08:11:05
Số lần đọc: 1075
Không tổ chức thường niên như các dân tộc Dao, Tày, Nùng.., phải hàng chục năm, Lễ cầu an của người Cao Lan, xã Kim Phú (Yên Sơn) mới diễn ra một lần. Do đó, lễ được tổ chức rất chu đáo, đặc sắc với nhiều phần lễ rất quy củ, cầu kỳ.

Các thầy xem lại các nghi thức trước khi cử hành nghi lễ.

Ông Lâm Văn Minh, thôn 15 là một người am hiểu văn hóa Cao Lan cho biết, đây là một nghi lễ đặc biệt do người cao niên trong làng thống nhất ngày, giờ, địa điểm để tổ chức. Nghi lễ tổ chức 10 hoặc 20 năm một lần, bởi đó là vòng quay tâm linh của thần "Nhà trời". Theo quan niệm người Cao Lan, Lễ cầu an là lễ dâng lên thiên đình, thần mưa, thần gió, gửi gắm ước vọng cầu bề trên phù hộ cho bản làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh, mùa màng bội thu… Đồng thời xua đuổi các loại ma xấu, những điều xui xẻo, tai họa.

Theo truyền thuyết, ngày xưa trong làng bị đại dịch, hạn hán, mùa màng thất thu... Một ngày nọ có 3 người hành khất đi qua bản. Dẫu đang nghèo khó, nhưng người dân vẫn sẵn lòng nhường thức ăn cho 3 vị. Nào ngờ họ là các vị thần trên trời cao xuống thăm trần gian. Cảm động trước tình cảm dân bản, hàng năm họ đều ban hạt mưa, ngọn gió hài hòa để mùa màng tốt tươi. Từ đó, dân bản được no ấm, hạnh phúc, bình an. Kể từ đó, theo vòng quay nhà trời cứ 10, 20 hoặc 30 năm một lần, đồng bào Cao Lan ở Kim Phú tổ chức Lễ hội cầu an với mong muốn một cuộc sống tốt đẹp.

Trong năm 2019, người dân Cao Lan xã Kim Phú đã chọn ngày 17, 18 tháng 9 âm lịch để làm Lễ cầu an. Nghi lễ diễn ra trong khuôn viên Đình làng Giếng Tanh. Lễ được chuẩn bị khá cầu kỳ với tranh thờ, các câu thần chú, lá cờ bằng giấy nhỏ màu trắng, đỏ treo tại bàn thờ; hoa quả, rượu, hương, tiền vàng… Trước khi diễn ra lễ hội, dân bản cẩn thận quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Đồng thời, các thầy cúng chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần dùng và các lễ vật.

Các điệu múa trong nghi lễ.

Người chủ lễ là ông Âu Văn Chu, ông thầy cao tay trong cộng đồng người Cao Lan ở Tuyên Quang. Theo ông, có 2 đệ tử ngồi hai bên phục vụ việc khấn cầu và 4 đệ tử thực hiện các điệu múa. Lễ hội được diễn ra gần 2 ngày với các nghi lễ như: Đọc lời cầu khấn, hát, múa, ném gạo muối xua đuổi tà ma, đốt đèn, đốt tầu ngầm...

Các bài khấn tại nghi lễ đều là các câu thần chú hoặc bài thơ tiếng Cao Lan để cầu mong sự bình an, tốt lành, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Trong quá trình thực hiện có 9 điệu múa. Có điệu múa tái hiện lại cử chỉ, ngoại hình thánh thần, có điệu múa miêu tả lại sinh hoạt hàng ngày của người dân, có điệu múa thể hiện niềm vui đón chào các vị thần cùng những ước nguyện...

Sở dĩ có 4 người thực hiện các điệu múa, bởi vì số 4 tượng trưng cho 4 phương Đông, Bắc, Tây, Nam. Anh Lâm Văn Anh là một trong 4 người thực hiện các điệu múa chia sẻ, mỗi điệu múa thực hiện khá nhiều kiểu cách, chi tiết cầu kỳ. Đó là sự kết hợp tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát cùng nhịp chân nhảy, tay múa uyển chuyển. Thực hiện xong một điệu múa thường khoảng 45 - 60 phút nên mất khá nhiều sức

Nghi lễ ném gạo, muối xua đuổi điều không may.

Trong nghi lễ, người dân Cao Lan còn chuẩn bị mô hình tàu ngầm. Mô hình có nhiều màu sắc, giống hình dạng tàu ngầm nhỏ. Sau lễ cúng, thầy cúng làm phép thuật để đẩy hết mọi thứ xui xẻo vào đấy. Theo quan niệm, tàu sẽ theo đường đi của thần linh mang theo mọi điều không may mắn theo suối, sông và trôi ra biển, vĩnh viễn không quay lại quấy nhiễu bản làng…

Sau khi đã làm xong phần lễ, thầy cúng xin âm dương và làm thủ tục hóa vàng. Tất cả vật phẩm bằng giấy như tiền vàng được thầy cúng hóa trong một chiếc chậu dâng lên thiên đình, thần mưa, thần gió. Kết thúc Nghi lễ dân bản cùng nhau thắp hương nguyện cầu cho nhà nhà ấm no, bản làng bình an.

Nghi lễ cầu an thể hiện một cách sống động, quy tụ nhiều loại hình đọc thơ, hát, múa, nhạc… của người Cao Lan. Đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh luôn được người dân nơi đây trân quý, giữ gìn.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT