Non nước Việt Nam

Đi tìm nét văn hóa trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải ở Bình Liêu

Cập nhật: 18/10/2019 08:50:41
Số lần đọc: 1340
Nghề dệt thủ công truyền thống ở huyện Bình Liêu có từ lâu đời. Trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, dệt vải từng là hoạt động quen thuộc ở hầu hết các gia đình, là nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tuy nhiên, nghề này ở huyện gần như không còn.


Bà Lý Thị Chương (thôn Nạ Phạ, xã Tình Húc) là người duy nhất còn giữ được kỹ năng dệt vải, may trang phục truyền thống ở huyện Bình Liêu.

Anh Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, cho biết: Vài chục năm trước, khi việc mua bán và phong trào mặc quần áo may sẵn chưa phổ biến như hiện nay, mỗi gia đình huyện Bình Liêu đều có mảnh ruộng trồng dâu nho nhỏ, phụ nữ trong gia đình chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi tằm, quay tơ và dệt những tấm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng…, nhằm đảm bảo việc mặc cho các thành viên.

Những người già ở Bình Liêu còn hình dung rất rõ hình ảnh khung dệt vải luôn được đặt ở góc nhà nơi nhiều ánh sáng; tiếng thoi đưa diễn ra đều đều hằng ngày những lúc ngoài giờ đồng áng của các bà, mẹ, chị; trẻ nhỏ nô đùa, học hành quanh khung cửi...

Cuộc sống người dân khấm khá hơn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng cởi mở hơn trong việc mặc các trang phục hiện đại, vừa đơn giản, thuận tiện trong lao động, lại ít tốn công, giảm chi phí… Văn hóa mặc trang phục truyền thống dần mất đi, đặc biệt là mất đi một kỹ năng nghề dệt đáng quý của người phụ nữ nơi đây.

Mặc trang phục hiện đại tuy phổ biến, nhưng mỗi người dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao trên địa bàn huyện vẫn giữ nếp mặc bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình trong những dịp hiếu, hỉ, lúc được sinh ra, đặt tên, lúc mất đi… Đặc biệt, người con gái dân tộc thiểu số trước khi xuất giá luôn được mẹ trao cho chiếc màn tơ do chính tay mẹ dệt, coi như lời chúc phúc trăm năm.

Thời gian gần đây, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch, huyện Bình Liêu có chủ trương khôi phục và phát triển văn hóa bản địa, lấy đây là tài nguyên khai thác bền vững. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện khuyến khích người dân tích cực mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt đời sống hằng ngày. Riêng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích mặc trang phục dân tộc làm việc tại công sở. Ngành Giáo dục huyện phổ biến nét đẹp trang phục truyền thống trong giáo viên, học sinh; quy định lịch mặc trang phục truyền thống trong trường học. 

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, dệt vải không còn phổ biến, nên việc tạo ra các bộ trang phục truyền thống gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các chi tiết trang phục không bán sẵn trên thị trường, buộc phải đặt làm, như thắt lưng, khăn quấn tóc, khăn đội đầu. 

Theo khảo sát của huyện, Bình Liêu hiện chỉ còn duy nhất bà Lý Thị Chương (dân tộc Tày, thôn Nạ Phạ, xã Tình Húc) là còn giữ được kỹ năng dệt vải, may trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao. Từ kinh nghiệm và tình yêu của mình, bà Chương đã tạo ra những sản phẩm đẹp, hoa văn thêu, dệt chìm đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, bà Chương hiện đã trên 80 tuổi, sản phẩm làm ra rất ít, không đáp ứng được nhu cầu. Bà cũng chỉ chuyên dệt chi tiết khăn và thắt lưng, không nhận làm hoàn thiện bộ trang phục; chất liệu bà Chương dùng chủ yếu là len mua sẵn ở chợ, không phải chất liệu tơ tằm như trước đây.

Tự làm trang phục truyền thống là nét đẹp văn hóa của người dân tộc vùng cao Bình Liêu, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa là chất liệu có thể khai thác để phục vụ việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, nét đẹp này hiện đang dần mai một, cần phải được huyện Bình Liêu quan tâm, có giải pháp khôi phục cụ thể./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT