Hành trang lữ khách

Đặc sắc ngôi chùa Khmer ở vùng biên An Giang

Cập nhật: 12/09/2024 15:03:47
Số lần đọc: 903
Biên phòng - Chùa Tà Ngáo theo hệ phái Phật giáo Nam Tông, tọa lạc tại sóc Tà Ngáo, phường An Phú, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tuy không nguy nga, tráng lệ, bề thế như một số ngôi chùa Khmer khác trong vùng, nhưng đây là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng cho lối kiến trúc chùa tháp của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở Nam Bộ. Với hơn 200 năm tuổi, chùa Tà Ngáo còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer của tỉnh An Giang.

Một góc chùa Tà Ngáo. Ảnh: Tân An

Độc đáo kiến trúc Khmer

Chùa Tà Ngáo đa phần có lối kiến trúc chung khá giống các chùa Khmer khác trong vùng Tây Nam bộ, bao gồm: Cổng chùa, nhà Sala, Chánh điện, phòng ở của sư và khách tham quan, phòng hội nghị... Trong đó, nổi bật và quan trọng nhất là ngôi chánh điện được xây dựng ở trung tâm của ngôi chùa. Hai bên lối lên xuống chính điện được các nghệ nhân điêu khắc các bức tượng chằn, chim hoon...

Ngôi chánh điện luôn có hình tượng chim thần Krud nâng đỡ mái chùa. Bên trong chánh điện chùa thờ Đức Phật Thích Ca được bài trí với kích thước lớn tọa lạc trên tòa sen, chia thành nhiều cấp, mỗi cấp chạm khắc hài hòa với không gian chánh điện, có thể tạo dáng ở nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, thể hiện sự đa dạng, phong phú về ý nghĩa đạo đức và vẻ đẹp của Đức Phật. Không gian trong chánh điện còn được bài trí nhiều bức họa, trên các bức tường hay các cột kèo, cánh cửa được trang trí các bức phù điêu, hình ảnh lấy cảm hứng từ cuộc đời của Đức Phật, từ khi người ra đời đến lúc người ngồi dưới gốc bồ đề niết bàn. Các mảng trang trí này đều có nghệ thuật điêu khắc tinh tế, với những họa tiết, hình khối, đường nét trang trí công phu, màu sắc rực rỡ tạo ấn tượng nổi bật cho chánh điện ngôi chùa.

Nóc chùa Tà Ngáo được thiết kế theo hình tam giác cân, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc. Ở góc nóc mái chánh điện được trang trí đuôi rồng uốn lượn tạo cảm giác uyển chuyển, mềm mại cho ngôi chùa. Bên ngoài của chánh điện thường có các công trình phụ trợ, trang trí các phù điêu đắp nổi, thể hiện các hình tượng tiên nữ xinh đẹp, chim thần Krud nâng đỡ mái chùa, chằn Yeak hung dữ, đầu thần Bayon bốn mặt (đây là vị thần Sáng tạo của người Khmer Nam Bộ)... được lấy từ văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Khmer. Những hình tượng trang trí đại diện cho những thế lực tà ác đã bị Đức Phật quy phục. Nhiều tượng Phật Thích Ca cũng được đặt khắp nơi trong khuôn viên chùa. Một số có hình dáng ngồi dưới gốc bồ đề, một số thì có dáng nằm hay đứng. Xung quanh khuôn viên của chùa còn được trồng nhiều cây xanh cổ thụ lâu năm. Một vài cây cổ thụ có đến hơn trăm năm tuổi.

Với lối kiến trúc xây dựng của người Khmer, các chi tiết của chùa được điêu khắc hết sức tinh xảo, tỉ mỉ. Trên tất cả các bức tường hay khắp các cột kèo, cánh cửa của chùa đều được các nghệ nhân Khmer điêu khắc và trang trí bằng những hình ảnh được lấy cảm hứng chủ yếu từ cuộc đời của Đức Phật và đời sống cộng đồng người Khmer, tạo nên nét độc đáo rất riêng cho ngôi chùa. Có thể nói, kiến trúc của chùa Tà Ngáo là một tổng hòa các sắc thái đậm nét văn hóa dân tộc Khmer. Thông qua nghệ thuật kiến trúc xây dựng trên của ngôi chùa, người Khmer muốn giữ gìn nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo cùng tinh thần hướng thiện đến cộng đồng.

Sư cả Chau Khi, trụ trì đời thứ 9 của chùa Tà Ngáo cho biết: “Theo lịch sử ghi ghép lại, chùa Tà Ngáo được đồng bào Khmer dựng lên từ năm 1820 bằng ván gỗ, mái tranh đơn sơ trên nền gò đất thấp trong sóc cùng tên và đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Chùa Tà Ngáo nằm cách cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên không xa, cách biên giới Việt Nam-Campuchia chỉ vài cây số. Kiến trúc của chùa Tà Ngáo mang nét đặc trưng và bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Ngoài ra, hiện nay, chùa còn gìn giữ, bảo tồn nhiều loại văn hóa của dân tộc Khmer như múa Sa dăm, dàn nhạc ngũ âm để phục vụ đồng bào vào các dịp lễ lớn như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Tết mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người Khmer).

Cần gìn giữ, bảo tồn và phát triển

Với đồng bào Khmer, chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, nơi dạy chữ dân tộc, dạy văn hoá và cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Khi chúng tôi đến thăm chùa Tà Ngáo, thấy trong khuôn viên của chùa có rất nhiều trẻ em, có tốp thì đang học tiếng Khmer, có tốp thì đang tập múa Sa dăm và chơi các loại nhạc cụ dân tộc.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hưng, BĐBP An Giang hướng dẫn các cháu học sinh chơi nhạc cụ, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa Khmer tại chùa Tà Ngáo. Ảnh: Tân An

Theo Sư cả Chau Khi, vào mỗi dịp hè, chùa Tà Ngáo lại tổ chức các lớp học chữ Khmer cho các em học sinh là con của các hộ dân trong vùng. Hoạt động này đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa của dân tộc Khmer, đồng thời giúp các em học sinh trên địa bàn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích. Ngoài việc học tập, các em còn được học chơi các loại nhạc cụ như trống Rô băm, chơi nhạc ngũ âm hay học các điệu múa Sa dăm, múa Dù kê của đồng bào Khmer...

Mỗi năm, vào dịp hè, có gần 100 em học sinh, trong đó, có nhiều em là con các gia đình khó khăn đến chùa Tà Ngáo học chữ Khmer và được các sư bố trí ở lại tại chùa. Đến chùa, các em ngoài được học về ngôn ngữ, chữ viết Khmer, còn được các sư sãi giáo dục về đạo đức, lối sống, những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người, những truyền thống quý báu về bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách để trở thành những người sống có ích cho gia đình và xã hội. Nhiều năm qua, hoạt động dạy chữ Khmer trong các chùa Khmer luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử, cả về tinh thần cũng như các hình thức hỗ trợ vật chất, kinh phí.

Thật thú vị khi được chứng kiến tận mắt các cháu thiếu niên của chùa Tà Ngáo thành thạo sử dụng các nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm của người Khmer Nam Bộ (gồm có 7 nhạc cụ khi diễn tấu tạo ra 5 âm thanh, vì thế, người ta gọi là dàn nhạc ngũ âm). Cụ thể là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 loại nhạc khí khác nhau. Sư cả Chau Khi cho biết, với đồng bào dân tộc Khmer, khi những âm thanh từ dàn nhạc ngũ âm cất lên trong dịp Tết cổ truyền chính là lúc Chư Thiên giáng xuống trần để cùng vui và lắng nghe thành ý nguyện cầu của bà con về những điều tốt đẹp trong năm mới

Trước khi chia tay với các sư sãi và tăng ni của chùa Tà Ngáo, tôi được Sư cả Chau Khi chia sẻ sự phấn khởi, xúc động trước việc chính quyền các cấp đã rất quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Khmer bảo tồn, phát huy dòng nhạc dân tộc thông qua những lời hát, điệu múa uyển chuyển, những vở tuồng Dù kê ẩn chứa bao tự tình và các nghi thức cúng tế dịp lễ, Tết, trong những bộ trang phục truyền thống vô cùng rực rỡ.

Thay mặt các chư tăng, phật tử, gia đình, bà con phum sóc, Sư cả Chau Khi còn nhắn gửi sẽ cùng nhau chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang.

Tân An

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 12/09/2024

Cùng chuyên mục