Khi đất hóa tâm hồn…
Trải nghiệm làm gốm tại Gốm Coffee và Workshop, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức
Tình yêu với gốm
Đam mê thủ công mỹ nghệ và có thời gian dài làm việc với nhiều công ty (Cty) nước ngoài, Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Gốm Trường Thạnh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) - Lê Hữu Mai từ bỏ công việc chuyên gia về quy trình sản xuất cho doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hàng trăm triệu đồng/tháng để trở về với công việc sản xuất gốm tại Biên Hòa.
Nghề gốm xuất hiện ở xứ Biên Hòa vào khoảng thế kỷ XVII. Từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, nghề gốm phát triển mạnh và được xem là giai đoạn thịnh hành nhất của gốm Biên Hòa. Theo các chuyên gia, gốm Biên Hòa được thị trường ưa chuộng là do sản phẩm có sự giao thoa giữa 3 dòng gốm người Việt, người Hoa và người Chăm. Đây cũng chính là nét riêng đặc biệt của sự giao thoa văn hóa mà ít dòng gốm nào có được.
Với tình yêu gốm cháy bỏng, ông Hữu Mai trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng gốm Biên Hòa. Ông mất khá nhiều năm nghiên cứu, học hỏi, xây dựng một quy trình chuẩn cho sản xuất gốm. Sau khi xây dựng thành công quy trình sản xuất như mong muốn, ông tiếp tục nuôi ước mơ tạo ra những “nhà máy thu nhỏ” để những người yêu gốm khắp cả nước có thể trải nghiệm quy trình làm gốm thủ công của Cty.
Ông Hữu Mai chia sẻ, để đưa ý tưởng workshop làm gốm vào thực tế, ông và các cộng sự một lần nữa bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm về các thiết bị phục vụ sản xuất. Sau khi đã nghiên cứu thành công “lò sản xuất gốm di động”, ông mất thêm gần 3 năm để thực hiện thí điểm workshop làm gốm tại Cty Gốm Trường Thạnh trước khi mang workshop làm gốm này đến huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Trải nghiệm workshop làm gốm
Đi vào hoạt động từ đầu năm 2024 đến nay, Gốm Coffee và Workshop tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu gốm ở khắp mọi nơi. Đến đây, mọi người như được hòa mình vào không gian nghệ thuật gốm với nhiều tác phẩm độc đáo, tinh xảo nhưng cũng không kém phần đẹp mắt, sang trọng, thể hiện tài hoa của các nghệ nhân làm gốm.
Một trong những trải nghiệm được mọi người yêu thích nhất chính là tự tay làm ra các sản phẩm gốm thủ công. Đây là lần thứ 2 chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) đăng ký tham gia workshop làm gốm. Chị Ngọc Mai cho biết, từ những nguyên liệu sẵn có cùng sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, thợ làm gốm giàu kinh nghiệm, chị đã một lần nữa viết nên câu chuyện làm gốm của riêng mình.
Chị Ngọc Mai nói: “Tôi biết thông tin về workshop làm gốm qua mạng xã hội. Vì vậy, gia đình tôi đăng ký hoạt động trải nghiệm này vào ngày cuối tuần. Để làm ra một đồ dùng bằng gốm, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, cần có sự kiên trì cũng như khéo léo của người làm để sáng tạo họa tiết đồ gốm theo cách riêng của mình”.
Quá trình làm gốm thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thật ra không hề dễ dàng. “Đứa con tinh thần” đầu tiên có thể chưa hoàn hảo nhưng đó sẽ là sản phẩm đặc biệt và độc nhất của mỗi người bởi nó được tạo nên từ sự chân thành, kiên nhẫn nhưng cũng không kém phần tỉ mỉ từ chính người làm.
Hiện nay, trên thị trường, các sản phẩm thủ công làm từ gốm có giá thành khá cao. Tuy nhiên, tại các buổi workshop, mọi người sẽ được cung cấp nguyên liệu, hướng dẫn quy trình làm gốm; đồng thời, sở hữu sản phẩm do chính tay mình tạo ra với chi phí chưa đến 80.000 đồng/sản phẩm.
Thời gian qua, Cty thường xuyên tổ chức các workshop làm gốm dành riêng cho học sinh, sinh viên với mong muốn khuyến khích, phát huy sự sáng tạo, trí tưởng tượng. Qua đó, rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại cho các em. Các buổi workshop được mở phù hợp với độ tuổi, giúp các em tạo ra các sản phẩm gốm đơn giản nhưng cũng không kém phần xinh xắn.
Các sản phẩm gốm từ workshop được mọi người sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, dùng để trang trí không gian sống hoặc trở thành món quà ý nghĩa dành tặng cho người thân, bạn bè.
Ông Lê Hữu Mai cho biết, những năm qua, ông dành chi phí khá cao để mời những nghệ nhân, thợ lành nghề giảng dạy về quy trình làm gốm để tìm nguồn đào tạo, truyền nghề. Thế nhưng, ngành nghề này đòi hỏi có niềm đam mê và đây cũng là khó khăn nhất ông đang gặp phải.
Vì vậy, qua các buổi workshop, ông Hữu Mai và các cộng sự mong muốn lan tỏa tình yêu gốm đến mọi người. Đặc biệt, hoạt động này còn giúp tìm ra những nhân tố có đam mê, năng khiếu làm gốm để phát triển tài năng tiềm ẩn trong cộng đồng. Từ đó, tạo ra thế hệ kế thừa nghề truyền thống này trong tương lai./.
Song Nhi - Trần Quân