Hành trang lữ khách

Độc đáo làng bè đa sắc màu ở ngã ba sông Châu Đốc

Cập nhật: 09/09/2024 15:11:51
Số lần đọc: 864
An Giang là tỉnh biên giới duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có núi và đồng bằng, có sức hấp dẫn cao, bởi gắn liền với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của cộng đồng các dân tộc sinh sống lâu đời. Không dừng lại ở khai thác tài nguyên du lịch sẵn có, tỉnh An Giang cùng với các doanh nghiệp xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Làng bè đa sắc màu trên sông với chiều dài khoảng 4km đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Ảnh: Thúy Hạnh

Sức hấp dẫn của du lịch An Giang không chỉ ở khai thác tài nguyên sẵn có, mà còn ở sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của con người. Điển hình là làng bè sắc màu ở ngã ba sông Châu Đốc. Làng bè nằm trên tuyến tham quan, du lịch tìm hiểu, trải nghiệm đời sống sông nước và văn hóa của cộng đồng người Chăm ở An Giang. Hoạt động du lịch làng bè được triển khai từ tháng 8/2023 trên địa bàn thị trấn Đa Phước, huyện An Phú. Dự án có kinh phí hơn 2 tỷ đồng đã tô điểm 165 bè nuôi cá của người dân. Những bè cá nằm trải dài khoảng 4km trên sông, được sơn lên nhiều màu sắc để thu hút khách du lịch. Làng bè đa sắc màu này đã tạo nên một cảnh quan đặc sắc, độc đáo duy nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu từ trên cao nhìn xuống sẽ là những mảng màu đan xen, kết nối, tạo nên quang cảnh rực rỡ sắc màu, là điểm nhấn du lịch ở ngã ba sông nhìn từ nhiều hướng.

Làng bè Châu Đốc là nơi nuôi cá nước ngọt nổi tiếng của tỉnh An Giang nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Điểm đặc biệt của làng cá bè Châu Đốc là những căn nhà nổi cùng những bè cá nép gần nhau, tạo thành làng dọc sông, kéo dài. Nơi đây, nếu được đầu tư đúng mức sẽ là một điểm du lịch độc đáo mang bản sắc riêng, góp phần phát triển du lịch của địa phương. Khi được đầu tư đèn màu về đêm đã tạo một làng bè lung linh soi mình dưới nước, với 6 màu sắc nổi bật, đan xen nhau tạo hiệu ứng thị giác đặc sắc. Cụ thể, mỗi nhà bè sơn một màu, lần lượt theo thứ tự là đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Do tính đặc thù của công trình là vùng nuôi cá nước ngọt nên khi thi công sẽ đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi cá. Cụ thể, khi vệ sinh bề mặt, phải đảm bảo thu gom bụi bẩn và khi thi công sơn, phải sơn thủ công, không sử dụng máy phun, đảm bảo không để nước sơn rớt xuống nước.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ hộ kinh doanh bè cá basa tại đây vui vẻ nói: “Gia đình tôi cảm ơn các ban, ngành trong tỉnh đã hỗ trợ cho làng bè được khoác thêm một màu áo mới để bạn bè trong và ngoài nước biết đến tỉnh An Giang có một làng bè đa sắc màu. Sắp tới, bè của tôi sẽ mở nhiều dịch vụ hơn, như câu cá giải trí cho khách trải nghiệm, ăn uống trên bè với những món ăn đặc sản vùng sông nước như cá mè hôi nướng, lẩu mắm canh chua. Hoặc là du khách có thể trải nghiệm bắt cá, rồi tự chế biến theo sở thích của mình. Du khách cũng có thể ngồi trên bè ngắm sông nước hữu tình, làng bè đa sắc màu”.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, mong muốn của tỉnh là tạo ra một sản phẩm du lịch thu hút khách đến tham quan. Quá trình tạo ra làng bè là sự phối hợp của Nhà nước và sự hỗ trợ của người dân An Giang. Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh sẽ kết hợp các hãng du lịch và lữ hành để đưa du khách về An Giang. Từ những hoạt động này sẽ góp phần phát triển kinh tế của địa phương, cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân An Giang.

Công trình làng bè đa sắc màu đã phát huy vẻ đẹp và nét độc đáo của làng bè ngã ba sông Châu Đốc, nơi được xem là điểm nhấn của du lịch tỉnh An Giang. Đến với làng bè đa sắc màu, du khách có thể đi tàu du lịch từ Châu Đốc, hoặc đi xe đến xã Đa Phước. Sau đó xuống tàu để tham quan làng bè và trải nghiệm cuộc sống của người dân, cách nuôi trồng thủy sản trong lồng bè. Tiếp đó, du khách có thể đến làng của đồng bào Chăm, tham quan thánh đường Hồi giáo và nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trải nghiệm cuộc sống bình dị, mộc mạc của người dân nơi đây.

Công trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Chăm về việc giữ gìn và phát huy bản sắc vốn có, nhất là tập trung khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mang bản sắc đặc trưng của người Chăm ở làng Đa Phước. Mặt khác, công trình sẽ góp phần cải thiện môi trường du lịch của địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ, giúp người dân có nhiều thu nhập hơn thông qua các dịch vụ đi kèm. Chính vì sự đầu tư đúng mức này sẽ dần thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch trong tỉnh. Kinh tế người dân dần tăng lên sẽ tạo xu hướng kích cầu, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống người dân theo nhịp sống hiện đại.

Thúy Hạnh

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 05/9/2024

Cùng chuyên mục