Đặc sắc Tết cổ truyền của người La Chí ở Hà Giang
Người La Chí xã Vĩ Thượng (Quang Bình), từ ngày 26 tháng Chạp, mọi nhà sẽ dọn dẹp nhà cửa, bày đồ dùng mới với mong muốn đón được nhiều may mắn và tốt đẹp trong năm mới. Từ ngày 27 - 29 tháng Chạp, từng gia đình mổ lợn, cùng nhau ăn bữa cơm Tất niên, cùng kể lại những câu chuyện của năm cũ sắp qua. Đặc biệt, bày mâm cỗ riêng để báo cáo với Tổ tiên (Tổ tiên được cúng ba đời đối với nam, hai đời đối với nữ). Trên mâm cỗ, gồm: Một miếng thịt lợn sống (phải là miếng thịt da cổ lợn), một miếng gừng (là cầu nối giữa âm và dương), trên mâm cỗ phải có một chiếc sừng trâu. Theo quan niệm của người La Chí, con trâu là đầu cơ nghiệp, sừng trâu là điềm tốt cho gia đình, tuy nhiên chỉ những con trâu được giết mổ ở những đám cưới hoặc lễ hội mới được sử dụng để tế lễ Tổ tiên. Sừng trâu được dùng để uống rượu “hoẵng” (theo truyền thống từ xa xưa, phải lấy tinh hoa của hạt gạo để thờ cúng Tổ tiên), vậy nên sừng trâu là không thể thiếu trên bàn thờ Tổ tiên.
Với quan niệm thầy cúng mang vai trò trung gian, cầu nối giữa người âm và dương; chính vì vậy, sau khi mâm cỗ được bày ra, thầy cúng sẽ ngồi vào mâm để cúng và không dùng hương. Khi cúng xong, thầy cúng sẽ gọi con cháu, đại diện của người đã mất vào ngồi cạnh mâm. Khi mâm đã đầy đủ, rượu sẽ được rót vào những chiếc sừng trâu và chia đều cho mọi người trên mâm uống đến khi hết. Ngày 30 tháng Chạp, mỗi nhà sẽ chuẩn bị một nồi bánh chưng; đến tối, bày mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dày lên bàn thờ Tổ tiên và báo năm qua làm được những việc gì, cầu mong năm mới gặp được nhiều may mắn…
Vào đêm 30, người Là Chí sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, không đón giao thừa; khoảng 1 - 2 giờ sáng ngày mùng 1, con trai, con gái trong làng sẽ thức dậy tắm nước mới để một năm gặp nhiều may mắn. Sáng mùng 1 mổ gà và xem chân để biết năm mới sẽ gặp những chuyện gì. Đầu năm mới, trai gái trong thôn tập trung ở bãi rộng chơi ném còn, đánh quay, đu thăng bằng…
Trên địa bàn huyện Quang Bình, dân tộc La Chí sống chủ yếu tại các xã Vĩ Thượng (chiếm 30%), Nà Khương (chiếm 26%)... Đồng chí Hoàng Xuân Đích, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng, cho biết: Dân tộc La Chí có những đặc thù và những nét văn hóa rất đặc sắc, đến nay vẫn giữ nguyên bản sắc. Để nét văn hóa này không bị mai một, cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập HTX trưng bày sản phẩm dân gian của dân tộc La Chí; khuyến khích mặc trang phục truyền thống, đưa các làn điệu dân ca vào trường học…