Non nước Việt Nam

Nghề dệt vải truyền thống của người Pà Thẻn

Cập nhật: 22/01/2019 09:14:01
Số lần đọc: 1280
Từ xưa, người Pà Thẻn quan niệm, bài học của các cô gái được bắt đầu bên chiếc khung cửi; họ không chỉ được các bà, các mẹ dạy dệt vải, thêu hoa, ghép vải để tạo ra bộ trang phục truyền thống mà còn truyền đạt kinh nghiệm sống, cách ứng xử, sự hiểu biết về con người, thiên nhiên...

Người Pà Thẻn định cư lâu đời và sinh sống nhiều nhất ở các xã Tân Trịnh, Tân Bắc (Quang Bình). Trang phục người Pà Thẻn có những nét đặc trưng về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu… để hoàn thành một bộ trang phục có khi kéo dài cả năm và đòi hỏi sự khéo léo, cần cù, sáng tạo. Các công đoạn dệt, thêu hoa văn, ghép vải hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Dân tộc Pà Thẻn có bộ sưu tập các mẫu hoa văn vô cùng phong phú, được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác. Trước hết, đó là hệ thống hoa văn hình học cơ bản, như: Hình chữ thập, tam giác, hình vuông, hình thoi… phân bố thành các dải băng ngang, làm đường phân tuyến cho những hoa văn khác trên khăn, ngực áo, eo lưng, gấu áo, thân váy. Những hoa văn hình người, chân chó, mắt cua, con nghé, sừng trâu phức tạp hơn; ngoài ra, hoa văn cây thông, cây cỏ và một số loại thuốc quen thuộc của đồng bào là những chất liệu độc đáo, tôn vinh thêm vẻ đẹp của bộ trang phục.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn Xìn Thị Lở, thôn My Bắc, xã Tân Bắc cho biết: “Đa số những cô gái trẻ người Pà Thẻn đều biết các kỹ năng thêu, dệt và chắp vá hoa văn trước khi đi làm dâu. Đó là của hồi môn thiêng liêng mà bà, mẹ trao cho con gái. Thông thường, việc dệt vải, thêu thùa thường làm vào những lúc nông nhàn. Hình thù các hoa văn xuất hiện trong từng đường khâu, mũi chỉ phản ánh cuộc sống của người dân và gắn liền với các con vật gần gũi, tượng trưng cho sức mạnh để cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu, dân làng ấm no. Để tránh mai một, chúng tôi thường dạy nghề cho thế hệ trẻ tại Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm truyền thống thôn My Bắc”.

Bằng sự tỉ mỉ, dày công, những phụ nữ Pà Thẻn đã tạo ra bộ váy áo với sắc đỏ rực rỡ, màu chàm của nam giới, trẻ em được chú ý bởi chiếc mũ đội đầu nhiều màu sắc, mũ bé gái có những chùm bông len đỏ. Đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn tay là những phụ kiện không thể thiếu đi kèm váy áo. Trong các lễ hội truyền thống, ngày Tết, lễ cưới; người Pà Thẻn mặc trang phục truyền thống; những nét văn hóa riêng biệt, chính là đặc điểm phân biệt người Pà Thẻn với các dân tộc khác.

Đồng chí Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Cùng với quá trình phát triển KT - XH, sự hội nhập và giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, cộng đồng Pà Thẻn vẫn giữ được nét đẹp văn hóa dệt vải truyền thống. Nhằm phát huy các giá trị đó, huyện đã hỗ trợ, khuyến khích HTX Dệt thổ cẩm truyền thống thôn My Bắc phát triển. Đồng thời, giao ngành chức năng hướng dẫn HTX hoàn thiện hồ sơ để hưởng chính sách phát triển du lịch theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh; phối hợp với các nghệ nhân, tổ chức dạy nghề dệt cho phụ nữ…”.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT