Đắk Nông cần phát huy giá trị của Vườn quốc gia Tà Đùng cho phát triển du lịch bền vững
Hồ Tà Đùng. Ảnh Internet
Điểm đặc biệt là Vườn quốc gia Tà Đùng nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020.
Điểm nhấn của Vườn Quốc gia Tà Đùng chính là hồ Tà Đùng, nơi đây được ví như Vịnh Hạ Long trên cao nguyên hoang sơ, bí ẩn. Lòng hồ Tà Đùng có diện tích rộng gần 5.000 ha mặt nước với hơn 40 hòn đảo và bán đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, quyến rũ.
Hồ Tà Đùng thuộc địa phận xã Đắk Plao và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 45km về hướng đông nam theo quốc lộ 28 hướng đi Lâm Đồng.
Tà Đùng là dãy núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông, là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực Miền Đông Nam Bộ. Tà Đùng là thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai với nhiều dự án thủy điện đang hoạt động.
Voọc chà vá chân đen, một trong những loài động đặc hữu ở VQG Tà Đùng. Ảnh: Báo Đắk Nông
Hệ động, thực vật phong phú và đa dạng
Tà Đùng có thảm thực vật khổng lồ, độ che phủ đạt 85% diện tích lõi của Vườn quốc gia, bao gồm rừng nguyên sinh 48%, rừng thứ sinh 36%. So với mức độ che phủ của rừng Việt Nam (33,6%) và rừng nguyên sinh cả nước (10%), khu vực này có độ che phủ cao, đa dạng về hệ sinh thái và sinh cảnh thích hợp cho nơi cư trú, sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển - Viện Sinh học Nhiệt đới năm 2011 và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2012 đã xác định được 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ thuộc 06 nhánh thảm thực vật khác nhau ở VQG Tà Đùng. Thực vật hạt kín là phổ biến nhất (1.251 loài), tiếp theo là dương xỉ và cây hạt trần.
Trong 1.406 loài thực vật tại Vườn quốc gia Tà Đùng, có 89 loài sắp tuyệt chủng, chiếm 6,3%. Trong đó, 69 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; 27 loài có tên trong Sách đỏ IUCN và 14 loài nằm trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/3/2006. Trên toàn cầu, có 05 loài cực kỳ nguy cấp, 02 loài nguy cấp và 04 loài dễ bị tổn thương. Còn ở cấp độ quốc gia thì có 28 loài nguy cấp và 14 loài dễ bị tổn thương.
Về động vật, ở Tà Đùng có 574 loài động vật thuộc 38 bộ và 124 họ, trong đó có 37 trong số 88 loài thú quý hiếm cần được bảo vệ, chiếm gần một nửa số thú ở Tà Đùng. Có nhiều loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới như nai, cà toong, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công, trĩ…
Trong các loài quý hiếm, Tà Đùng có 03 loài thú đặc hữu của Việt Nam là Voọc bạc má, vượn má cam, Voọc chà vá chân đen. Đặc biệt, Tà Đùng là một trong ba khu bảo tồn của Việt Nam có hươu vàng hay hươu đầm lầy, loài đặc hữu của Đông Dương và Thái Lan. Chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng do giảm môi trường sống và bị săn bắt.
Vườn quốc gia Tà Đùng cũng là một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam, chiếm tới 1/8 số loài chim của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu của thế giới. Trong danh sách 202 loài chim, có 16 loài nằm trong Sách đỏ. Các loài chim tiêu biểu như: Chim trĩ, chim công, chim cười đặc hữu và gà lôi lam mào trắng.
VQG Tà Đùng là nơi có hệ thực vật phong phú. Ảnh: Báo Đắk Nông
Hệ thống danh lam thắng cảnh vô cùng độc đáo
Bên cạnh hệ thống hồ Tà Đùng có hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ giống như Vịnh Hạ Long trên cao nguyên thì các dòng suối ở đây cũng tạo thành những ngọn thác tuyệt đẹp như thác Đắc Plao, thác 7 tầng, thác mặt trời... cùng với hệ thống cây xanh, buôn làng của các đồng bào dân tộc xã Đắc P’lao, Đắc R’măng, Đắc Som… Phong cảnh ở đây vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ sẽ tạo cho du khách các tour du lịch cắm trại, nghỉ mát qua đêm, trekking để tận hưởng không khí, cảnh quan của núi rừng tuyệt đẹp. Đây cũng là nơi để du khách tránh xa khói bụi đô thị, được hít thở bầu không khí trong lành, để “mát - xa” đôi mắt bằng mây vờn, nước biếc và cảm nhận sự bình yên, và được sống chậm lại.
Văn hóa bản địa phong phú và đa dạng
Điều làm tăng thêm cho giá trị của VQG Tà Đùng là nó nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên. Nếu những ngọn núi lửa hùng vĩ và những hồ nước tuyệt đẹp làm nên tuyến du lịch hấp dẫn ở đây thì những giá trị văn hóa bản địa cũng khiến cho Tà Đùng là điểm đến đáng khám phá. Tại đây, du khách có hành trình khám phá trở về với cội nguồn, nơi chứa đựng các giá trị văn độc đáo của đồng bào dân tộc Mạ, người dân nơi đây vẫn thường xuyên hát kể cho nhau nghe những sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, về sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu về việc bảo vệ rừng đại ngàn chính là cách để bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng, nhờ đó mà các di sản vẫn được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Internet
Khai thác phát triển du lịch bền vững
Nhằm khai thác tiềm năng và tạo sức hút với du khách, từ năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng với tổng mức đầu tư 174 tỷ đồng. Bản quy hoạch đã giúp cho việc định hướng các tour, tuyến, điểm và sản phẩm du lịch trở nên phong phú và đa dạng. Qua đó các khu vui chơi, giải trí trên các hồ, đảo, cụm thác dưới tán rừng; du lịch thể thao - mạo hiểm trên mặt nước, du lịch mạo hiểm rừng bảo tồn, du lịch dã ngoại; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng đang từng bước được hình thành để thu hút khách du lịch theo hướng bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch