Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Tràng An
Được ví như 'Hạ Long trên cạn' với gần 100 hang động tuyệt đẹp, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Những hiệu quả thiết thực
Kể từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Tràng An đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Quần thể danh thắng Tràng An trải rộng trên địa bàn của 20 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình, bao gồm 3 khu bảo tồn Khu di tích Lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252ha, trong đó khu di sản thế giới có diện tích 6.226ha, vùng bảo vệ có diện tích 6.026ha.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của di sản, ngay sau khi đón nhận danh hiệu Di sản Thế giới, để tiếp tục khẳng định cam kết, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm chuyển giao cho thế hệ tương lai theo Công ước Di sản Thế giới, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo các ngành, cấp tập trung quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết địa bàn xã có nhiều danh thắng nổi tiếng như Tam Cốc-Bích Động, Thung Nắng, Thung Nham ... thuộc Quần thể danh thắng Tràng An.
Hàng năm, các khu du lịch trên địa bàn thu hút trên 100.000 lượt khách du lịch. Việc phát triển ngành du lịch, dịch vụ đã mang lại nhiều đổi thay cho xã và góp phần nâng cao thu nhập người dân.
Chính vì vậy, chính quyền, nhân dân xã Ninh Hải luôn nêu cao tinh thần bảo vệ di sản, chính là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho khu di sản.
Xã Ninh Hải chú trọng tuyên truyền người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh khu du lịch.
Bên cạnh đó, xã thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm trong các hoạt động du lịch, xâm hại di tích lịch sử-văn hóa, đặc biệt là hoạt động kinh doanh lưu trú, các hoạt động làm suy giảm môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong vùng di sản.
Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều khu dân cư sinh sống trong vùng lõi di sản. Do vậy, các địa phương trong vùng di sản càng cẩn trọng hơn trong công tác quản lý cư trú.
Huyện Hoa Lư là một trong những huyện, thành phố được đánh giá đi đầu trong công tác này, nhiều mô hình hay, sáng tạo đã gắn kết đời sống thường ngày của người dân với di sản.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cho biết Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư đã nỗ lực thực hiện các quy định của pháp luật đối với bảo vệ di sản, đảm bảo hài hòa lợi ích công-tư, doanh nghiệp với người dân, đặc biệt là bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự để khu di sản thực sự mang tầm vóc Di sản thế giới.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích mà di sản mang lại để người dân nhận thức được và từ đó có trách nhiệm giữ gìn tốt hơn.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, số lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng.
Năm 2018, tỉnh Ninh Bình đón 7,3 triệu lượt du khách. Trong đó, du khách đến với Quần thể danh thắng Tràng An đạt 6,2 triệu lượt người, tăng gấp đôi so với năm 2014.
Qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, để người dân có thể “sống trong khu Di sản, bảo vệ Di sản và hưởng lợi từ Di sản.”
Thách thức trong bảo tồn di sản
Do Di sản Tràng An trải rộng trên 12.000ha thuộc địa giới hành chính của 5 huyện, thành phố, địa hình phức tạp, khó khăn, do đó công tác tuần tra, nắm bắt các hành vi xâm hại Di sản có lúc, có nơi chưa kịp thời.
Thống kê của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho thấy, hiện trong khu Di sản có khoảng 50.000 cư dân đang sinh sống. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn là thách thức hàng đầu, trong khi chưa có đủ nguồn lực về tài chính và quỹ đất để di dời dân sinh sống ở nhiều địa điểm nằm rải rác trong vùng lõi ra ngoài vùng đệm, cũng như đảm bảo sinh kế truyền thống và tạo sinh kế mới cho người dân.
Trong khi đó, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng và những lợi ích mà Di sản mang lại của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, doanh nghiệp và người dân chưa cao; công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý tài nguyên tại một số địa phương còn chưa thực sự chặt chẽ.
Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản còn hạn chế, vẫn còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm dẫn đến một số vụ, việc xâm hại Di sản chậm được phát hiện, xử lý chưa kịp thời, dứt điểm.
Các chế tài giám sát, kiểm tra và xử lý chưa đồng bộ, do đó để xảy ra một số vụ việc như xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ và hiện tượng xây dựng các cơ sở lưu trú (homestay) tại một số khu vực dân cư hiện hữu nằm trong vùng lõi Di sản đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan chung của Di sản.
Tăng cường quản lý Nhà nước về di sản
Để làm tốt hơn công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO và các quy định của tỉnh trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho người dân sinh sống trong khu di sản; giữ mối quan hệ với các cơ quan của Trung tâm Di sản thế giới, văn phòng UNESCO Hà Nội, Ủy ban UNESCO Việt Nam để trao đổi thông tin về công tác quản lý, bảo tồn di sản.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, hiện Ninh Bình là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong việc xây dựng bộ quy chế tương đối đầy đủ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để quản lý di sản.
Tràng An là di sản hỗn hợp gồm cả văn hóa và thiên nhiên, chưa có tiền lệ ở các khu di sản khác ở Việt Nam để có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.
Do vậy, những bài học của Tràng An có thể coi là kinh nghiệm cho việc quản lý di sản cả văn hóa, thiên nhiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ninh Bình đã rà soát kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030; tiếp tục nhận diện, bổ sung các nhân tố tác động tiêu cực đến di sản để chỉnh sửa Kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 sát với thực tế quản lý di sản, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đem lại lợi ích tối đa cho người dân.
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị Di sản Tràng An, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục duy trì mô hình hợp tác công-tư, nêu cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm của nhà quản lý, người dân và du khách đến với di sản.
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết, để làm được điều này, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của di sản, từ đó có những hành động chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững.
Tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai, kinh doanh lưu trú trái phép trong vùng di sản.
Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý di sản; có những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn và thân thiện với môi trường./.