Hoạt động của ngành

Đầm Hà giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật: 12/07/2019 08:23:18
Số lần đọc: 1350
Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện Đầm Hà tích cực triển khai thực hiện, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Cùng với đó, huyện thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần chăm lo đời sống mọi mặt cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.


Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Đầm Hà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực, gắn với nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị, như: “Xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng khu phố văn hóa được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, phát huy vai trò, ý thức chủ động của cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đến nay, 100% thôn, bản, khu phố có nhà văn hoá, trong đó 38/76 nhà văn hoá đạt chuẩn theo quy định; 66/76 thôn, bản, khu phố được công nhận đạt danh hiệu thôn, bản, khu phố văn hoá; 100% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã xây dựng nội quy, quy chế làm việc, quy chế văn hóa công sở và đăng ký thi đua hằng năm, trong đó có 81,5% số cơ quan, đơn vị được công nhận cơ quan, đơn vị văn hóa.

Huyện Đầm Hà có 9 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30,1% dân số. Hầu hết, người dân tộc thiểu số cư trú ở các xã vùng cao của huyện, nơi điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn nhiều khó khăn. Huyện thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng nhiều chính sách cụ thể đối với vùng dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, điều kiện về cơ sở hạ tầng, văn hoá, y tế, giáo dục,... ngày càng được cải thiện. Thực hiện Chương trình 135, huyện đã giải ngân hàng chục tỷ đồng đầu tư các công trình hạ tầng giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.... Các chính sách hỗ trợ được thực hiện đầy đủ, kịp thời, như: Hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo thông qua các chương trình, dự án phát triển sản xuất; hỗ trợ đất sản xuất, xây dựng nhà ở, công trình nước sinh hoạt, các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Cùng với việc chăm lo, phát triển đời sống vật chất, huyện không ngừng quan tâm đến đời sống tinh thần của  đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, công trình Trung tâm Văn hoá các dân tộc huyện được xây dựng là nơi đồng bào các dân tộc giao lưu, sinh hoạt văn hóa. Các môn thể thao dân tộc như: Đánh con quay, bắn nỏ, vật dân tộc, thi trang phục dân tộc truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Y, Thanh Phán, hát Sán cố, hát then,…được phục hồi, nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Hằng năm, huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện, thu hút đông đảo người dân tham gia; khôi phục các nét văn hóa đặc trưng của Lễ hội đình Đầm Hà, đình Tràng Y; tăng cường công tác sưu tầm, biên soạn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; tạo môi trường văn hoá thuận lợi để các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được phát huy trong đời sống. Huyện quan tâm công tác giáo dục truyền thống văn hoá cho thế hệ trẻ; khuyến khích mở các lớp dạy tiếng dân tộc, truyền dạy kỹ năng hát các làn điệu của từng dân tộc trong nhân dân. Qua đó, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn mang tính hiệu quả, bền vững.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục