Đào tạo kỹ năng số dành cho doanh nghiệp du lịch xanh trong ASEAN
Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác ASEAN - Nhật bản năm 2023 nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm và trang bị cho các bên liên quan trong ngành du lịch các kiến thức về quản lý và xúc tiến điểm đến, phát triển du lịch xanh và bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: BTC
Tham dự lễ khai mạc hội thảo có ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế; bà Naoko Fujiwara - Quản lý Chương trình Cấp cao, Nhóm Du lịch và Trao đổi, Trung tâm ASEAN - Nhật Bản; ông Steven Schipani - Chuyên gia cao cấp ngành du lịch (ADB) và các đại biểu là cán bộ, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cộng đồng du lịch đến từ khối nhà nước và tư nhân của ASEAN.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết, theo báo cáo mới nhất của UNWTO, du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được gần 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay, với nhiều điểm đến đã khôi phục hoặc thậm chí vượt qua lượng khách đến và doanh thu trước đại dịch. Tuy nhiên, khu vực ASEAN đang bị tụt lại phía sau, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, khu vực Châu Á và Thái Bình Dương chỉ phục hồi được 62% so mức trước đại dịch do việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế chậm hơn. Trước đó, theo số liệu thống kê năm 2022, các nước thành viên ASEAN đã đón tổng số 43 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chỉ phục hồi 30% so với mức trước đại dịch.
ASEAN đã cùng nhau nỗ lực vượt qua thời điểm đầy thách thức này bằng cách ban hành những hướng dẫn và khuyến nghị chính sách kịp thời không chỉ dành cho các cơ quan du lịch quốc gia mà còn cho các bên liên quan trong ngành. Theo dự báo của một số chuyên gia du lịch, ngành du lịch khu vực có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: BTC
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN mở cửa hoàn toàn biên giới mà không có bất kỳ hạn chế nào liên quan đến Covid-19 kể từ tháng 3/2022. Hai năm qua, ngành du lịch nhận được nhiều chính sách thuận lợi nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch. Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đón 11,2 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi 69% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt xa mục tiêu ban đầu đặt ra là 8 triệu cho cả năm. Đây là một kết quả đáng chú ý, thể hiện nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhằm khôi phục ngành du lịch và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như cải thiện phúc lợi của người dân.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định, một trong những xu hướng mới nổi của ngành du lịch sau đại dịch là mối quan tâm ngày càng cao đối với du lịch bền vững và tính bền bỉ của du lịch. Để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời kỳ mới này, cần nhận thức và suy nghĩ lại về du lịch theo hướng bền vững hơn, chú ý hơn đến tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, quản lý điểm đến và phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn cũng rất quan trọng, vì phần lớn các doanh nghiệp du lịch đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, rất dễ bị tổn thương trước những khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai.
Vì vậy, khóa đào tạo “Kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh” đã giải quyết một trong những mối quan tâm lớn nhất trong ngành của ASEAN. Ban tổ chức đã mời các giảng viên có kinh nghiệm để chia sẻ kiến thức và kỹ năng thực tế cần thiết nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ năng số, cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch cách sử dụng các giải pháp số để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và linh hoạt hơn.
Nhận định về vai trò của chuyển đổi số trong du lịch, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình nêu, chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chuyển đổi số, mà đặc biệt là kỹ năng số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, mà qua đó tạo lập môi trường để các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ có thể chia sẻ, liên kết cung cấp các dịch vụ ngày càng đa dạng, chất lượng và hiệu quả cho du khách.
Do đó hội thảo lần này sẽ góp phần nâng cao kỹ năng số và quảng bá tiếp thị số cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và doanh nghiệp dịch vụ du lịch, nhằm tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường số, mở rộng cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ Internet, thúc đẩy du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị giữa các quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức bản sắc chung cộng đồng ASEAN.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: BTC
Hội thảo “Kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch xanh: Đào tạo cho đào tạo viên” diễn ra từ ngày 04-08/12/2023 với các nội dung chính như phương pháp để trở thành đào tạo viên tốt, tiếp thị số và mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, đại lý du lịch trực tuyến… Các đại biểu các nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp số, chuyển đổi số trong du lịch, tham gia khảo sát các điểm du lịch Huế. Cuối khóa học, các học viên cùng làm bài tập về Xây dựng một chương trình đào tạo về giải pháp số cho doanh nghiệp du lịch xanh tại một điểm đến nhất định.
Trung tâm Thông tin du lịch