Để du lịch Hạ Hòa (Phú Thọ) phát triển xứng tiềm năng
Đầm Vân Hội (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) tiềm năng du lịch đang chờ đón những nhà đầu tư.
Với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, nhất là khi nút giao IC11 đặt tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018 đã tạo nên lợi thế về giao thông để thu hút đông đảo du khách trong cả nước về với địa phương. Điểm đến nổi bật nhất của du lịch tâm linh ở huyện Hạ Hòa được nhiều du khách biết đến là Đền Mẫu Âu Cơ - Di tích lịch sử văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được xếp hạng năm 2017, gắn với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân nằm ở xã Hiền Lương. Đến với Tổ Mẫu Âu Cơ cũng như đến với các vị Vua Hùng vào dịp giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba hàng năm chính là sự biết ơn tổ tiên, hướng về cội nguồn dân tộc, là tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Trong các điểm du lịch sinh thái của huyện có Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh. Cách thành phố Việt Trì 70km, Ao Châu được ví như Vịnh Hạ Long của Phú Thọ. Với diện tích mặt nước khoảng 300ha và khoảng 100 hòn đảo lớn, nhỏ được bao phủ bởi một thảm thực vật đa loài dày đặc và phong phú, khu du lịch Ao Châu đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch chi tiết Khu du lịch Đầm Ao Châu với diện tích khoảng 1.500ha; đồng thời phát triển thành Khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: Nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi...
Trong Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030, Hạ Hòa được xác định là một trong 5 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh và huyện đã tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề, sức hút lớn đối với các nhà đầu tư “rót” vốn vào các khu du lịch như Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên,… Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được ưu tiên, quan tâm trong chiến lược phát triển du lịch ở Hạ Hòa. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến được triển khai dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú kết hợp với việc tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa lễ hội, văn hóa dân gian, qua đó giới thiệu hình ảnh về con người và các giá trị văn hóa đặc sắc cùng những danh thắng, di tích lịch sử văn hóa của quê hương Hạ Hòa đến với du khách thập phương.
Đền Chu Hưng nơi thờ tự Côn Nhạc Đại Vương- người có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi Chu Hưng vào thời kỳ Vua Hùng thứ 18- Hùng Duệ Vương.
Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch Hạ Hòa mới chỉ ở dạng tiềm năng. Kết cấu giao thông hạ tầng được các cấp đầu tư khá nhiều, nhưng các tuyến đường nhánh dẫn vào các khu du lịch vẫn còn xấu, khó đi. Các cơ sở lưu trú có chất lượng trên địa bàn huyện chưa nhiều, đặc biệt là các dịch vụ phụ trợ như ăn uống, giải trí gần như là chưa xuất hiện, thế nên lượng khách du lịch đến với huyện có tăng qua các năm nhưng lượng khách lưu trú còn khá ít ỏi. Quá trình tìm hướng đi trong phát triển du lịch còn gặp không ít khó khăn do công tác thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch còn hạn chế, việc đầu tư các điểm du lịch cộng đồng còn manh mún, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch chưa rõ nét; các sản phẩm du lịch đặc thù chưa được quan tâm đầu tư, chưa thật sự hút khách; nguồn nhân lực cho phát triển du lịch còn thiếu và yếu; các sản phẩm, đặc sản địa phương tại các điểm du lịch chưa được địa phương quan tâm...
Bà Hà Thị Phương Bắc- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch, Hạ Hòa đã và đang tập trung nguồn lực xây dựng mới và nâng cấp hệ thống hạ tầng du lịch tại một số điểm du lịch trọng tâm của huyện; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với các hoạt động trải nghiệm thâm nhập thực tế, ẩm thực. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và tạo môi trường thuận lợi, huy động các nguồn vốn, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển du lịch, dịch vụ…
Giang Ngân