Để những tuyến phố đi bộ Hà Nội là nơi quảng bá văn hóa, du lịch hiệu quả
Những tuyến phố đi bộ hoạt động hiệu quả
Từ ngày 1/10/2004 phố đi bộ hồ Hồ Gươm đi vào hoạt động. Trừ khoảng thời gian phải tạm dừng do dịch bệnh Covid -19, thì cho đến nay phố đi bộ này được đánh giá hoạt động hiệu quả. Xuất phát điểm của tuyến phố đi bộ này là vào năm 2003, chợ đêm Đồng Xuân (nằm trong khu phố cổ Hà Nội) khai trương 67 gian hàng. Trong đó, 12 gian trước mặt chợ chủ yếu bán hàng thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm, 44 gian dọc phố Hàng Khoai bán các sản phẩm dệt may truyền thống (vải áo dài, thổ cẩm...) và 11 gian hàng ẩm thực, hoạt động đến 2 giờ sáng. Từ tiền đề này, phố đi bộ Hồ Gươm đã hình thành.
Tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đã trở thành điểm đến của nhiều du khách (ảnh: Nam Nguyễn)
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm thì sau 6 năm hoạt động, không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận đã trở thành thương hiệu, điểm đến của người dân và du khách trong, ngoài nước. Trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ đón khoảng 20.000 khách. Khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây.
Vào tháng 5 năm 2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên thời gian đầu, tuyến phố đi bộ này chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã được trở lại với một diện mạo khác hẳn, hấp dẫn du khách. Chương trình nghệ thuật "Có những con đường" - tên ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đêm khai trương trở lại đã thể hiện rõ mục tiêu theo đuổi, tạo điểm nhấn cho tuyến phố bằng âm nhạc, các không gian biểu diễn nghệ thuật.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn sau khi mở cửa trở lại, được đầu tư và có thêm nhiều hoạt động đã thu hút nhiều du khách trẻ đến
Đến nay, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tạp kỹ phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của du khách và nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, đang duy trì 3 sân khấu để tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận. Sân khấu chính hơn 2.000m2, chuyên biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tạp kỹ, múa rối; sân khấu Cầu nghệ thuật - không gian nhạc Trịnh và nhạc xưa được tổ chức định kỳ vào thứ 7 hàng tuần; sân khấu ngã 3 Hồ sen là không gian dành cho giới trẻ gồm các thể loại nhảy hiện đại, Rap, giao lưu các ca khúc trẻ. Đặc biệt, sau hiệu ứng của phim "Em và Trịnh" sự chú ý của công chúng dành cho phố đi bộ Trịnh Công Sơn tăng lên rõ rệt, nhất là giới trẻ.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4, tuyến phố đi bộ thứ tư của Hà Nội tại Thành cổ Sơn Tây cũng đã đi vào hoạt động. Mặc dù là tuyến phố đi bộ mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm nhưng đã có những thành quả tích cực. Theo ban quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) công bố kết quả hoạt động sau hơn 4 tháng triển khai hoạt động phố đi bộ vào dịp cuối tuần cho thấy tuyến phố này thu hút hơn 250 nghìn lượt khách. Tuyến phố đã tạo nên không gian văn hóa cộng đồng hấp dẫn, điểm đến của nhiều người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Trung bình một tuần, tuyến phố thu hút từ 10-15 nghìn lượt khách. Riêng trong tuần đầu mở cửa, phố đi bộ đã đón hơn 35 nghìn lượt người.
Thêm nhiều tuyến phố đi bộ mới
Tạo nên sức hút của tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn quần chúng, các hoạt động trưng bày, triển lãm… Đến nay, đã tổ chức được hơn 200 buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tại 6 điểm sân khấu chính và các khu vực sân khấu xung quanh. Các hoạt động được tổ chức đa dạng theo từng chủ đề, phù hợp với nhiều đối tượng từ thanh, thiếu nhi cho đến người cao tuổi.
Cho đến nay, Hà Nội đang có dự kiến mở thêm các tuyến phố đi bộ tại quận Hoàng Mai ở khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3, dự kiến thí điểm cuối năm 2022). Quận Ba Đình dự kiến mở tuyến phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh trong quý IV/2023. Quận Hai Bà Trưng cũng có kế hoạch mở phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, dự kiến thời gian là đầu năm 2023. Ngoài các tuyến đã có kế hoạch mở nêu trên, khu vực xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được định hướng quy hoạch thành không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển mô hình kinh tế ban đêm.
Khu vực hồ Thiền Quang dự kiến trở thành phố đi của Hà Nội
Nhiều du khách tỏ ra rất háo hức và mong chờ các tuyến bố đi bộ của Hà Nội dự kiến mở sẽ sớm đi vào hoạt động. Bởi du khách khi đến Hà Nội thường có nhu cầu khám phá các hoạt động dịch vụ, giải trí diễn ra vào thời điểm tối cuối tuần. Đây cũng là khoảng thời gian Hà Nội có thời tiết đẹp, phù hợp du lịch, giải trí. Bởi vậy, việc mở rộng phố đi bộ cũng là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm thú vị, thu hút du khách, kích cầu du lịch, phát triển kinh tế. Với mỗi địa điểm, mỗi nơi có những đặc trưng riêng sẽ góp phần quảng bá Hà Nội nhiều hơn tới du khách.
Tuy nhiên, nếu Hà Nội mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ như theo dự kiến thì cần phải có bước chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ về mặt không gian mà còn các hoạt động. Một du khách bày tỏ mong muốn Hà Nội nên có một đặc trưng hoặc quy hoạch riêng cho mỗi tuyến phố đi bộ. Như vậy mỗi tuyến phố đi bộ của Hà Nội sẽ không bị trùng nhau mà vẫn hấp dẫn du khách. Chẳng hạn phố đi bộ Hồ Gươm vẫn là trung tâm chính, là sân khấu đa dạng hoạt động. Khu vực hồ Thiền Quang gần Nhà văn hóa thanh niên, gần Công viên Thống Nhất, Rạp xiếc… thì chú trọng không gian cũng như các hoạt động cho thiếu nhi, giới trẻ. Phố Trịnh Công Sơn dành cho người yêu âm nhạc…
Bên cạnh đó, việc quy hoạch giao thông cũng nên tính toán kỹ lưỡng để tiện lợi cho du khách và không ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Hà Anh