Hoạt động của ngành

Yên Bình - ''viên ngọc thô'' về du lịch nông nghiệp ở Hà Nội

Cập nhật: 18/11/2022 08:14:39
Số lần đọc: 654
Là một xã của huyện Thạch Thất (Hà Nội), Yên Bình mang vẻ đẹp hoang sơ, nhẹ nhàng như tên gọi. Với nhiều tiềm năng thiên nhiên phong phú như hệ thống núi non, thác suối hữu tình, ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mường, văn hóa cồng chiêng đặc sắc… Yên Bình có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, du lịch nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới.  


Trang trại Hoa Viên hiện đang là mô hình điểm về nông nghiệp sạch và đã thí điểm đón khách du lịch đến trải nghiệm.

Miền sơn cước Yên Bình

Nằm ở phía Tây Hà Nội, cách Hà Nội chừng 25km, thẳng đường Đại lộ Thăng Long, xã Yên Bình (Thạch Thất) mang đến cảm nhận đầu tiên cho du khách là tuyến đường liên xã được chỉnh trang khá đẹp. Đường tuy nhỏ nhưng đã được rải bê tông sạch sẽ, dọc hai bên đường là những khóm hoa nhiều màu sắc do các nhà dân tự trồng trang trí trước cổng nhà.

Theo thông tin tư liệu, thời Pháp thuộc, xã Yên Bình có tên là xã Quang Diệu, thuộc châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau nhiều lần hợp nhất các xã, năm 1956, tên Yên Bình được thành lập, vẫn thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, xã Yên Bình nằm trong số 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình (gồm Yên Bình, Yên Trung, Tiến Trung và Đông Xuân) sáp nhập về hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai của Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 2.000ha, với 6 thôn, hơn 1.800 hộ, có 2 dân tộc cùng chung sống là Kinh và Mường, trong đó tỷ lệ người Mường là hơn 40% dân số...

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Tùng cho biết, với 40% dân số trên địa bàn xã là dân tộc Mường đã mang đến bản sắc văn hóa rất riêng của Yên Bình. Vì lẽ đó, Yên Bình hiện vẫn còn giữ được nhiều nếp sinh hoạt đặc sắc, riêng biệt để hấp dẫn du khách phương xa. Nét văn hóa của người Mường không chỉ thể hiện ở các lễ hội cồng chiêng tổ chức thường xuyên mà ngay cả trong ẩm thực cũng tạo được sự khác biệt so với nhiều vùng lân cận.

Với đặc tính địa hình nhiều đồi núi, thác nước, hồ tự nhiên, khí hậu mát mẻ, diện tích rừng lớn cùng đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường còn duy trì các thửa ruộng bậc thang… Yên Bình có rất nhiều điều kiện tự nhiên để xây dựng sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm mới cho du khách. Một số hồ tự nhiên lớn như hồ Lụa, hồ Thuống… với phong cảnh hữu tình, xung quanh có núi non bao phủ đang trở thành điểm đến mới của nhiều du khách đến cắm trại, trải nghiệm chèo thuyền. Vùng sơn cước Yên Bình tiềm ẩn nhiều giá trị thiên nhiên quý giá cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trang trại.

Hồ Lụa với khung cảnh còn hoang sơ.

Định hướng cho du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp

Giữa tiết trời mát mẻ cuối thu, Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Tùng nhiệt tình dẫn chúng tôi tham quan trang trại nông nghiệp sạch Hoa Viên của chị Trương Kim Hoa (53 tuổi) - một phụ nữ dám bỏ phố về quê làm nông nghiệp. Trang trại có diện tích hơn 60ha, được chị Kim Hoa đầu tư công nghệ hiện đại, hiện trở thành mô hình điểm của thành phố về trang trại nông nghiệp sạch của Hà Nội.

Theo lời kể của chị Trương Kim Hoa, trang trại Hoa Viên từng đón các đoàn khách du lịch, học sinh đến trải nghiệm du lịch nông nghiệp. “Chúng tôi muốn đưa khách du lịch từ nội thành đến đây, đặc biệt là đối tượng học sinh để các cháu được trải nghiệm làm nông dân, hiểu hơn quy trình làm nông nghiệp”, chị Kim Hoa chia sẻ. Hiện, trang trại Hoa Viên đang là một mô hình điểm sáng của du lịch nông nghiệp trên địa bàn xã.

Ngoài trang trại Hoa Viên, trên địa bàn Yên Bình cũng có rất nhiều mô hình nông nghiệp theo kiểu hộ gia đình uy tín như: Trang trại trồng bưởi của ông Bùi Thanh Vân, ông Đào Xuân Hùng người dân tộc Mường ở thôn Dân Lập hay trang trại nuôi dê ở thôn Thung Mộ. Nhiều sản phẩm từ các trang trại đã được cấp chứng chỉ là sản phẩm OCOP chất lượng trên địa bàn.

Theo UBND xã Yên Bình, địa phương đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại (farmstay), du lịch cộng đồng. Hiện trên địa bàn xã đã có một số mô hình du lịch cộng đồng được hình thành nhưng chủ yếu do tư nhân đầu tư nên còn manh mún.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Tùng, các dịch vụ khai thác du lịch trên một số hồ sinh thái, homestay chủ yếu tự phát, thiếu sự đồng bộ, bên cạnh đó địa phương vẫn thiếu sự kết nối với các đơn vị lữ hành nên hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp chưa tạo được sức hút lớn mặc dù xã có nhiều tiềm năng thiên nhiên cũng như đã có mô hình điểm về trang trại nông nghiệp sạch.

“Chúng tôi đang từng bước vận động, kêu gọi, hướng dẫn bà con dân tộc Mường đang sinh sống trên địa bàn cách làm du lịch cộng đồng, tập trung vào những thế mạnh như ẩm thực, biểu diễn cồng chiêng, làm nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, xã cũng xây dựng kế hoạch, kiến nghị thành phố có cơ chế, hướng dẫn để địa phương có định hướng đầu tư đúng luật, đặc biệt là luật đất đai”, ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Những điều kiện tự nhiên thuận lợi, văn hóa dân tộc Mường đậm đà bản sắc cùng với nhiều mô hình trang trại nông nghiệp đang hình thành, Yên Bình đang được ví là “viên ngọc thô” của du lịch nông nghiệp nông thôn của Hà Nội.

Bài, ảnh: Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 17/11/2022

Cùng chuyên mục