Thừa Thiên Huế: Hương Trà cần chuyên nghiệp hóa du lịch
Hương Trà có nhiều làng quê đẹp, nhưng dịch vụ du lịch chưa đảm bảo
Chưa chuyên nghiệp
Mới đây, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển du lịch tại thị xã Hương Trà, ngành du lịch Huế phối hợp với UBND thị xã Hương Trà tổ chức chuyến khảo sát các điểm đến của địa phương này. Tham gia đoàn có nhiều doanh nghiệp, chuyên gia du lịch.
Ông Trần Thanh Tú, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh đánh giá, Hương Trà là điểm đến sở hữu đa dạng các loại hình để hình thành sản phẩm du lịch. Cụ thể, có các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, các làng quê xanh mát, suối thác đa dạng, các mô hình sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, dù có các tiềm năng nhưng để trở thành sản phẩm du lịch thu hút được du khách, Hương Trà còn nhiều việc phải làm.
Một lợi thế lớn của Hương Trà so với các địa phương khác là nằm sát TP. Huế. Điều này giúp Hương Trà định hướng phát triển những sản phẩm có tính bổ trợ cho sản phẩm văn hóa – di sản. Nhưng các doanh nghiệp chỉ ra hạn chế của Hương Trà là yếu tố kết nối chưa tốt, hạ tầng giao thông đến các điểm đến chủ yếu là đường làng, nhỏ và xuống cấp. Không chỉ khó trong kết nối mà còn tạo ra nguy hiểm cho du khách khi di chuyển trên các tuyến đường này. Vệ sinh môi trường tại các điểm đến chưa đảm bảo, rác thải và nhếch nhác.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội - Chi nhánh Huế cho rằng, du lịch Hương Trà còn thiếu tính chuyên nghiệp, hầu hết các điểm đến đều mang tính tự phát, chưa có bàn tay “đạo diễn” của doanh nghiệp. Nhiều điểm chưa hình thành được dịch vụ để tạo thành một điểm đến cơ bản. Các điển chế văn hóa như đời sống, văn hóa bản địa chưa thể hiện rõ. Chưa có mô hình để gắn kết người dân, nên người dân chưa thật sự sẵn sàng để phục vụ du lịch. Những điều kiện phục vụ khách, một số quy chuẩn về cơ sở vật chất cơ bản, nhà vệ sinh, quy trình đón tiếp chưa đảm bảo.
Thị xã Hương Trà đang có kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, gắn với làng nghề bằng tam giác: Hương Chữ, Hương Xuân, Hương Toàn. Muốn làm điều này, Hương Trà cần đầu tư xứng đáng để chỉnh trang lại cảnh quan, hạ tầng, dịch vụ. Lấy điểm đến La Chữ (Hương Chữ) để phân tích. Đây là một làng quê có cảnh quan đẹp được định hướng phát triển du lịch cộng đồng, gắn với các trải nghiệm đời sống, du lịch nông nghiệp… Nhưng nếu so sánh cạnh tranh về điểm đến bằng tính đặc trưng với hai làng quê nổi tiếng là Thanh Toàn (Hương Thủy) hay Phước Tích (Phong Điền), thì La Chữ sẽ ít được lựa chọn hơn. Do đó, để tạo thành tour du lịch đến Hương Trà 1 ngày, tour 2 ngày 1 đêm, tour 3 ngày 2 đêm là điều rất khó để doanh nghiệp khai thác. Chỉ có thể kết hợp 1 – 2 điểm ở Hương Trà sau khi khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm ở TP. Huế để tăng tính đa dạng.
Đi từng bước một
Du lịch được xác định là lĩnh vực được ưu tiên phát triển khi Thừa Thiên Huế tập trung các giải pháp triển khai nhiệm vụ theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Hương Trà không nằm ngoại lệ. Như đã phân tích, vị trí nằm bên cạnh TP. Huế, một số điểm đến ở Hương Trà chỉ cần di chuyển 15 phút bằng xe khách là đến được nơi. Dù thế, với “bức tranh” phát triển du lịch chung của cả tỉnh và xét trên những lợi thế so sánh với các địa phương khác, đòi hỏi Hương Trà có những kế hoạch, giải pháp mới có tính vững chắc, các sản phẩm hướng đến tính đặc trưng riêng và có tính chuyên nghiệp cao hơn.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Du lịch Huetourist góp ý, với Hương Trà, du lịch phát triển sau so với các địa phương khác nên cần có những bước đi cụ thể, xác định các ưu tiên, chuyên nghiệp hóa dịch vụ. Trong đó, quy hoạch tổng thể và chi tiết điểm đến cho toàn thị xã cần được đặt lên hàng đầu. Từ đó, hình thành quỹ đất, những thiết chế cần thiết để thu hút đầu tư. Trong khi chờ đợi những nhà đầu tư có tầm cỡ đến thì các doanh nghiệp tại địa phương cần được tạo điều kiện nhiều hơn, bằng những mô hình dù có thể quy mô nhỏ nhưng chỉn chu dịch vụ. Quan trọng là những doanh nghiệp này hiểu về Hương Trà và có cái tâm để cống hiến, phát triển cho địa phương.
Bà Dương Thị Công Lý phân tích, Hương Trà đang ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái. Với loại hình du lịch này, cần có mô hình quản lý hợp lý. Du lịch cộng đồng thì cần đảm bảo thu nhập cho người dân, giải quyết lợi ích hài hòa giữa các người dân trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xác định thị trường khách là những ai và có những sản phẩm phù hợp, sau đó từng bước mở rộng thêm.
Ngoài du lịch cộng đồng, Hương Trà có thể định hướng phát triển du lịch giáo dục. Như tại làng bún Vân Cù, rất phù hợp để khai thác tour du lịch học sinh. Dòng khách hướng đến là học sinh, sinh viên. Đặc biệt là học sinh trong thị xã để giúp trẻ biết về làng nghề truyền thống, quy trình làm bún; qua đó, giáo dục tình yêu quê hương. Với Vân Cù, chính quyền cần hỗ trợ hệ thống lại thông tin về làng nghề, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên là những người dân bản địa. Hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, như đường đi vào, nhà vệ sinh… không cần quá hiện đại, nhưng cần đảm bảo vệ sinh cơ bản.
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, thị xã đang tập trung quy hoạch cho các quy hoạch, như sử dụng đất chung toàn thị xã, quy hoạch các phân khu. Thị xã xác định sẽ còn những thách thức trong phát triển du lịch. Vì vậy, thông qua những phân tích, góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp giúp thị xã xác định lợi thế so sánh, những nhiệm vụ, đầu việc cần ưu tiên làm trước, làm như thế nào. Thị xã cũng sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các cơ chế chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư trong thời gian đến.
Bài, ảnh: Đức Quang