Đền Bồng Lai
Theo người dân, hai ngôi đền Bồng Lai ở Cao Phong (Hòa Bình) và Nho Quan (Ninh Bình) đều thờ cô Đôi Thượng ngàn (hay Sơn Tinh công chúa, con của vua Đế Thích). Xưa kia, ở vùng đất Nho Quan có một vị quan lang người Mường rất đức độ nhưng tuổi đã cao mà không có con. Ngọc Hoàng phái Sơn Tinh công chúa xuống đầu thai làm con của họ. Năm cô gái bốn tuổi, cả gia đình chuyển đến vùng Cao Phong sinh sống. Trong một lần đi gánh nước dưới chân núi Đầu Rồng, cô đã cứu giúp một bà lão bệnh tật - chính là mẫu Thượng Ngàn. Trở về nhà, cô hóa, sau đó đi theo mẫu Thượng Ngàn học phép cứu giúp dân lành, dạy họ cách trồng lúa, dệt vải. Để tỏ lòng biết ơn, người dân đã lập đền thờ cô, lấy tên là Bồng Lai. Ngôi đền ở Nho Quan là nơi cô sinh ra, còn ở Cao Phong là nơi cô gặp mẫu Thượng Ngàn và hóa.
Đền Bồng Lai nằm trong khuôn viên rộng 5.000m2, giữa không gian xanh mát của núi rừng, lưng dựa vào dãy núi Đầu Rồng, mặt hướng về phía thị trấn Cao Phong. Phía trước tam quan đồ sộ là một hồ bán nguyệt. Đi qua tam quan là một khoảng sân rộng. Tòa đại bái gồm 3 gian, trang trí nhiều phù điêu, hoành phi, cửa võng được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Cung cấm được xây theo lối kiến trúc 3 gian, là nơi thờ Tam tòa Thánh mẫu và cô Đôi Thượng ngàn. Cung đệ nhị được xây kiểu 5 gian 8 mái, là nơi thờ Tam vị chúa được sắc hiệu Đại vương và Công chúa. Cung đệ tam có lối kiến trúc kiểu nhà 7 gian 2 mái, là nơi thờ Tam phủ Công đồng. Trong đền Bồng Lai hiện còn lưu giữ một số di vật có giá trị như chuông cổ đời vua Thành Thái (1889 - 1907) và hai đạo sắc phong.
Nổi tiếng là một ngôi đền đẹp và linh thiêng, đền Bồng Lai còn được biết đến với quần thể hang động kỳ thú, gồm động Hoa Sơn Thạch, động Không Đáy, động Thiên Thai, động Phong Sơn, động Nhãn Long Sơn... Phía sau đền Bồng Lai còn có ban thờ và một pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao hàng chục mét, ẩn mình dưới chân núi Đầu Rồng, tạo nên một quần thể thắng cảnh uy nghiêm.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và không gian cảnh quan xanh mát, đền Bồng Lai và thắng cảnh núi Đầu Rồng đã được xếp hạng Di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2012.
Mộc Lam