Lương Sơn (Hòa Bình) - chốn nghỉ dưỡng bình yên
Du khách học cách làm đồ trang sức từ giấy dó tại Khu nghỉ dưỡng Nature Key Retreat Lương Sơn.
Phong phú tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng
Đến Lương Sơn (Hòa Bình), du khách không khỏi ngỡ ngàng trước danh lam thắng cảnh, di chỉ khảo cổ như hang Trầm, hang Tằm, mái đá Diềm, núi Vua Bà, động Đá Bạc, hang Núi Sáng, động Mãn Nguyện... Lương Sơn cũng sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể vô cùng đa dạng như nghề làm gỗ lũa, đá cảnh Đoàn Kết (xã Lâm Sơn), nghề làm giấy dó ở thôn Suối Cỏ (xã Cao Sơn) cùng nhiều lễ hội truyền thống. Những di sản văn hóa phi vật thể này sẽ giúp du khách hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào dân tộc Kinh, Mường, Dao đang sinh sống trên địa bàn.
Gần đây, hệ thống buồng phòng, cơ sở lưu trú ở Lương Sơn tăng nhanh chóng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình, đến tháng 6-2022, trên địa bàn huyện có 61 cơ sở lưu trú, gồm 7 khách sạn và 54 nhà nghỉ, homestay, villa với tổng số 772 phòng.
Xu hướng của khách đi nghỉ dưỡng hiện nay không đơn thuần là đặt phòng nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực mà còn đòi hỏi phải có nhiều trải nghiệm để họ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bản địa. Nắm bắt được thị hiếu này, Khu du lịch Nature Key Retreat Lương Sơn (xóm Bằng Gà, xã Cao Sơn) đã đưa vào các hoạt động trải nghiệm văn hóa và trò chơi dân gian thú vị như bắn nỏ Mường, đi cà kheo, làm đồ trang sức từ giấy dó hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người lớn tuổi như thiền, yoga, spa... Giám đốc vận hành Khu du lịch Nature Key Retreat Lương Sơn Lương Văn Thỉnh cho biết: “Nhờ lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, khoảng cách địa lý cùng hệ thống giao thông thuận lợi nên số khách Hà Nội đến Lương Sơn chiếm tỷ lệ lớn nhất - hơn 90% trong tổng số 500 - 600 lượt khách mỗi tháng”.
Tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2022, nhưng Nala Boutique Retreat (xã Hòa Sơn) được nhiều du khách chú ý. Nơi đây có 7 khu lưu trú với nhiều kiểu nhà truyền thống như nhà mái ngói 3 gian, 5 gian kiểu Đồng bằng Bắc Bộ hay nhà sàn của người Mường, thích hợp cho các gia đình và nhóm khách nhỏ nghỉ ngơi cuối tuần. Anh Lê Xuân Lộc, Tổng quản lý Nala Boutique Retreat chia sẻ: “Khai thác tối đa đặc tính của một khu retreat - mô hình nghỉ dưỡng đem đến cho khách hàng một không gian riêng để “trốn” khỏi những áp lực của cuộc sống, đồng thời đánh thức các giác quan bằng những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, Nala Boutique Retreat mang đến cho du khách cảm giác gần gũi, ấm cúng như trở về quê nhà. Chúng tôi cũng sử dụng phần lớn vật liệu tái chế trong thiết kế nhằm mang tới cho du khách một không gian hoài cổ, yên bình mà vẫn đầy đủ tiện nghi. Không những thế, Nala Boutique Retreat còn là một không gian bảo tồn âm nhạc truyền thống như hát xẩm, chầu văn... được diễn ra vào các buổi tối cuối tuần, mang lại sự hấp dẫn cho nhiều du khách”.
Khai thác chuỗi liên kết du lịch Hà Nội - Hòa Bình
Nhờ hệ thống hạ tầng, đường giao thông thuận lợi nên tuyến đường từ Hà Nội đi Lương Sơn giờ trở nên thuận tiện. Nếu trong chuyến đi, du khách muốn kết hợp nghỉ dưỡng và vãn cảnh chùa thì có thể theo quốc lộ 21A tới thị xã Sơn Tây, thăm đền Và - chùa Mía, chùa Khai Nguyên kết hợp thăm Làng cổ Đường Lâm. Đây là tuyến du lịch tâm linh - văn hóa truyền thống hấp dẫn với cả du khách trong và ngoài nước, giúp du khách lắng lại với những giá trị truyền thống của ông cha. Hoặc du khách có thể dừng chân ăn trưa tại hồ Đồng Mô, check-in đảo Phượng nằm giữa lòng hồ, thăm "biệt thự Phan Thị" hay thử cảm giác mạnh với trò chơi trượt cỏ tại Asean Resort... Cuối cùng, du khách sẽ dừng chân tại một khu nghỉ dưỡng ở Lương Sơn để phục hồi sức khỏe sau tuần làm việc vất vả.
Đánh giá cao về hiệu quả của việc kết nối chuỗi du lịch Hà Nội - Hòa Bình, bà Phạm Hồng Thu, Phó Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng (VCTC) cho rằng, đây hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu được đầu tư bài bản và kết nối các điểm một cách hợp lý. Theo bà Thu, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, Hòa Bình có thể liên kết để xây dựng một sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch văn hóa - tâm linh nhằm mang lại những ấn tượng sâu sắc cho du khách. “Bên cạnh việc tham quan, vãn cảnh chùa, các đơn vị lữ hành có thể đồng hành với các cơ sở tôn giáo để du khách được nghe giảng Phật pháp, giúp họ hiểu hơn về Phật giáo, từ đó khuyến khích con người hướng thiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể hợp tác xây dựng các gói tour nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch học đường... nhằm đa dạng hóa sản phẩm và đối tượng khách đến với các điểm tham quan, nghỉ dưỡng tại Hà Nội và Lương Sơn. Hoạt động du lịch sau dịch Covid-19 rất cần những sản phẩm đặc thù như vậy để phục hồi sau thời gian đứt quãng” - bà Thu nói.
Bài và ảnh: Bảo Khánh