Đình, nghè Sen Hồ ở huyện Gia Lâm (Hà Nội)
Đình Sen Hồ trông ra một ao nhỏ, quay hướng đông nam. Những kiến trúc hiện tồn cho thấy phong cách nghệ thuật thuộc giai đoạn chuyển tiếp từ nền nghệ thuật Lê Trung hưng sang thời Nguyễn, với nhà đại đình gồm năm gian hai dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Bộ vì có nhiều mảng chạm trang trí cổ và hệ thống xà đai gắn kết. Hai vì hồi được bào trơn, bào soi; hai vì bên có phần câu đầu chạm nổi, bong kênh, chạm lộng hình rồng, phượng. Các bức cốn chạm hình hoa sen, rùa, cá chép, long mã; hai bộ vì giữa trang trí hình rồng, rồng lá cách điệu. Nền đại đình cao 50cm so với mặt sân, hai gian hồi được tôn cao làm chỗ ngồi cho các giáp khi có việc làng. Hậu cung là nơi thờ thần, bên trong có khám thờ bằng gỗ chạm cầu kỳ.
Nghè Sen Hồ có quy mô kiến trúc lớn hình chữ “tam” với ba nếp nhà kế tiếp nhau trong khoảng không gian khép kín. Tiền tế xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai; mái lợp ngói ta, phía trước là trụ biểu, bên trong chia thành năm gian. Mặt trước mở ô cửa lớn hình chữ nhật, phía sau thông với trung đường. Bộ khung đỡ mái nhà tiền tế gồm nhiều dạng khác nhau: Hai vì hồi có kết cấu kẻ truyền, hai vì gian bên kết hợp các con kẻ và ván mê tạo thành nhiều bức cốn trang trí, hai vì giữa kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ bẩy”. Mỗi vì gồm bốn hàng chân, mái phân “thượng tứ, hạ ngũ”.
Trung đường là lớp nhà ngang nằm phía sau tòa tiền tế, được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc. Hai gian bên để trống, gian giữa đặt hương án lớn và nhiều đồ thờ tự khí. Hậu cung có quy mô tương ứng với nhà ngoài và cũng được xây kiểu tường hồi bít đốc. Nền hậu cung được tôn cao, mặt trước là hệ thống cửa bức bàn, phía sau xây tường bao. Bên trong, gian giữa là cung cấm, trên đặt long ngai, bài vị.
Trong đình, nghè Sen Hồ hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị, gồm 1 khám thờ gỗ chạm rồng, 1 long đình, 1 hương án chạm rồng, tứ linh, tứ quý; 9 pho tượng thờ, 1 cỗ long ngai, bài vị; 1 bộ kiệu bành; 1 bộ bát bửu thế kỷ XIX; 1 đôi hạc gỗ có niên đại thế kỷ XVII - XVIII; 1 hương án gỗ thế kỷ XVIII; 1 cuốn thần phả, 7 đạo sắc phong thần thời Nguyễn và cây hương đá thời Lê Trung hưng.
Đình, nghè Sen Hồ đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1992.
Thủy Hương