Non nước Việt Nam

Đến năm 2030, phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch tại Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 21/12/2023 14:14:57
Số lần đọc: 805
Ngày 20/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Làng nghề đan lát Bao La tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 1 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới ít nhất 5 nghề truyền thống, 1 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống, phát triển 3 làng nghề gắn với du lịch; Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản;

Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Có ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 4 nghề truyền thống và 3 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới ít nhất 6 nghề truyền thống, 1 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống, phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch; Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; Có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Để hoàn thành các mục tiêu kể trên, kế hoạch cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại nghề, làng nghề; Tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; Phát triển các làng nghề mới đảm bảo giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện môi trường và phát triển bền vững; Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề.

Ngoài ra, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Đầu tư xây dựng hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ; Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; Tăng cường quản lý nhà nước đối với làng nghề, làng nghề truyền thống; Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống/.

Lê Chung

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 20/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT