Thừa Thiên Huế: Bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch
Các sản phẩm của làng nghề đan lát Bao La (huyện Quảng Điền) rất được du khách ưa chuộng
Việc triển khai kế hoạch nhằm mục tiêu giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững…
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 1 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới ít nhất 5 nghề truyền thống, 1 làng nghề truyền thống; phát triển 3 làng nghề gắn với du lịch. Có hơn 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.
Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm. Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020…
Đến năm 2030, phấn đấu sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 4 nghề truyền thống và 3 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới ít nhất 6 nghề truyền thống, 1 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống; phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch.Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản. Trong đó, có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu…
Kế hoạch cũng đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, như: Thực hiện rà soát, đánh giá phân loại nghề, làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; Phát triển các làng nghề mới đảm bảo giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện môi trường và phát triển bền vững; Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề; Đầu tư xây dựng hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi…
Dự kiến kinh phí thực hiện Kế hoạch này là 52,5 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương gần 16,8 tỉ đồng, ngân sách tỉnh gần 14,9 tỉ đồng và kinh phí đối ứng của các cơ sở nghề, làng nghề, các nguồn huy động hợp pháp khác.
Tin, ảnh: S.Thùy