Quảng Nam: Phục dựng nghề y truyền thống
Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An. Ảnh: Q.Việt
Nghề truyền thống đông y
Những ai hoài niệm sẽ đôi lần tìm về phố cổ Hội An, gặp đâu đó trong ký ức những mái nhà xưa ngập tràn mùi vị thuốc bắc, thuốc nam. Từ thế kỷ 16, 17, đô thị thương cảng mậu dịch quốc tế Faifo - Hội An nổi tiếng về y học cổ truyền đông y. Nơi đây, xưa kia các dãy phố đều có tiệm thuốc, mùi thuốc đông y thơm nức.
Hàng ngày rất nhiều loại dược liệu quý hay còn gọi là thuốc bắc (từ Trung Quốc nhập vào) hoặc thuốc nam (từ các địa phương của nước ta) chuyển đến. Nhiều thầy thuốc đông y mở tiệm với nhộn nhịp cảnh bắt mạch, châm cứu, kê toa, bốc thuốc chữa cho bệnh nhân, đồng thời cung cấp thuốc, bán cho các thầy đông y đến từ nhiều địa phương khác.
Hình ảnh về các tiệm thuốc đông y còn in sâu trong tâm trí của những người Hội An với những tủ thuốc cao, nhiều ô hộc, người đứng cân, bốc thuốc nhanh tay, điêu luyện. Thấp thoáng bên trong, người thầy thuốc ngồi bắt mạch, khám cho bệnh nhân, rồi những bệnh nhân, người mua thuốc ngồi chờ hoặc ra vào sôi động.
Có thể kể đến Triều Phát hiệu, Chi Thảo đường, Xuân Sanh đường, Hòa Xuân đường, Duy Ích đường, Minh Đức đường trên các phố chính như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi.
Cùng với đó là nhiều thầy thuốc giỏi, nhiều kinh nghiệm như thầy Mười (ở hiệu Triều Phát), thầy Chấn Nam Thành (nhà Phi Yến), thầy Ba Chung, thầy Trương Hùng Cơ.
Lần tìm về quá khứ, nghề y truyền thống Quảng Nam hình thành và phát triển từ rất sớm khi những lớp cư dân đầu tiên đặt chân đến đất Đàng Trong. Nghề y có sự tiếp thu, kế thừa từ kinh nghiệm chữa bệnh của cư dân Chăm, các truyền thống y học phương Đông (Trung Hoa, Nhật Bản), phương Tây (Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha).
Vì vậy, thầy thuốc lành nghề của xứ Quảng có số lượng đông đảo, hầu như địa phương nào của tỉnh cũng có thầy thuốc nổi tiếng. Với bí quyết gia truyền, các thầy thuốc đông y có nhiều kinh nghiệm trong chữa bệnh, nhiều ca bệnh khó được chữa khỏi bởi các lương y bản xứ.
Gìn giữ, phát huy giá trị
Với sự du nhập của tây y, nghề thuốc đông y ở Hội An mai một dần. Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An nhận thấy tầm quan trọng của nghề y trong tiến trình hình thành bản sắc văn hóa Hội An, quyết tâm phục dựng nghề y truyền thống. Ngành chức năng đã khảo cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu, đến tháng 3/2019 đã khai trương Bảo tàng chuyên đề Nghề y truyền thống Hội An.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết, Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An vừa phục vụ khách tham quan vừa để nghiên cứu khoa học.
Bảo tàng có 6 gian trưng bày hơn 200 hiện vật, tư liệu liên quan đến nghề y truyền thống. Gian trước ở tầng một tái hiện không gian tiệm bán thuốc bắc truyền thống ở Hội An với các khu vực trưng bày tủ thuốc, nơi bắt mạch, chẩn trị, nơi chờ đợi của bệnh nhân và khách hàng đến khám bệnh, bốc thuốc.
Gian sân trời tái hiện cảnh phơi và bảo quản thuốc. Gian sau tái hiện cảnh chế biến một số loại thuốc. Ở tầng hai, gian trước trưng bày, giới thiệu về nghề y Việt Nam, nghề y Quảng Nam và Hội An, gian nhà nối là kho công cụ, thiết bị và gian sau là phòng thông tin tư liệu.
Chị Huỳnh Thị Bảo Vân (người chăm sóc, sửa soạn đón khách, hướng dẫn tham quan ở Bảo tàng chuyên đề Nghề y truyền thống Hội An) cho biết, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, trong đó có nhiều khách ở phương Tây.
Ông Aleix Garcia - du khách đến từ Tây Ban Nha hào hứng tham quan bảo tàng rồi chia sẻ: “Là người phương Tây, tôi xa lạ với đông y. Tham quan khắp 6 gian trưng bày hiện vật ở Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An tôi hình dung những giá trị của đông y mang lại. Thật sự rất cuốn hút khi tham quan bảo tàng”.
Cùng với Bảo tàng gốm sứ Mậu dịch, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng văn hóa dân gian, Bảo tàng Nghề y truyền thống Hội An đã tạo nên hệ thống liên hoàn các bảo tàng chuyên đề trên các trục phố cổ Trần Phú, Nguyễn Thái Học.
Hệ thống đó đến nay vẫn đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng là lấy hiện vật làm trung tâm, vừa gìn giữ bảo quản hiện vật vừa phát huy giá trị vốn có của hiện vật, lan tỏa văn hóa truyền thống, cung cấp thông tin khoa học.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, để phát huy thêm giá trị, ở địa chỉ 46 Nguyễn Thái Học, thời gian đến Nhà nước sẽ đầu tư thêm để kiêm bảo tàng nghề y với ngành dược truyền thống. Sắp tới sẽ tổ chức lại các hoạt động đông y trong bảo tàng do Hội Đông y Hội An đảm nhiệm. Với bảo tàng nghề dược, bố trí các gian trưng bày các loại thuốc quý như cam thảo, giảo cổ lam, trinh nữ, đinh lăng, rẻ quạt, tía tô, rau tần, lược vàng, ngải cứu... |
Việt Nguyễn