Đến Thừa Thiên - Huế khám phá Thiền viện Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã
Thiền viện Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã
Chùa được khởi công xây dựng vào tháng 3/2006, do Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là chủ đầu tư xây dựng, nhằm tôn vinh tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, dùng làm nơi tu học và phục vụ việc tu Thiền cho Tăng ni, Phật tử khu vực miền Trung, đồng thời góp phần bảo tồn, tạo cảnh quan thiên nhiên gắn liền với Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bạch Mã. Toàn bộ công trình được khánh thành vào ngày 20/4/2008, kinh phí xây dựng gần 15 tỷ đồng, do Phật tử đóng góp.
Trước khi đặt chân lên 172 bậc tam cấp dẫn lên Tam quan chùa, du khách phải lên phà qua hồ Truồi rộng lớn. Hồ Truồi có diện tích khoảng 400 ha, có đập Truồi ngăn nước tưới tiêu cho đồng ruộng các xã Lộc Hòa, Lộc Điền (huyện Phú Lộc). Đến hồ Truồi, du khách được chiêm ngưỡng một vùng nước trong xanh được bao bọc bởi các dãy núi xanh ngát, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Khí hậu ở đây rất mát mẻ, chỉ khoảng 25 độ C.
Chuyến phà qua hồ Truồi đến với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã làm cho khách hành hương có cảm giác như mình đang rũ sạch bụi trần để chuẩn bị bước vào cõi Phật. Bên kia bờ nước, dưới chân ngọn linh sơn, những tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông, tháp xá lợi… quần tụ trên khu đồi nguyên sinh, dưới chân đỉnh núi Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng. Đi hết con dốc thoải giữa lưng chừng đồi, Thiền viện dần hiện ra như một bức tranh thiên nhiên sinh động, núi rừng trập trùng, cỏ cây chen đá tô điểm thêm sắc hoa. Bên dưới tiếng suối reo như tiếng hát vọng lại cùng muôn chim đua nhau cất tiếng. Cảnh vật thật cuốn hút, con người như càng nhỏ bé trước thiên nhiên ấy, rồi dần chìm lắng vào hư không chỉ còn thiên nhiên thơ mộng.
Công trình Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được chia thành 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ. Từ thiền viện, du khách có thể nhìn thấy bao quát cả một vùng sơn thủy hữu tình có hồ, có suối, có núi, có rừng… tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Suối Truồi đổ về hồ Truồi nước trong vắt, mát lạnh và hoang sơ.
Trong đó, sông Truồi là con sông lớn thứ hai của thành phố Huế, sau sông Hương. Sông Truồi chảy từ nguồn ra biển và cung cấp nước tạo thành hồ Truồi. Làng trải dài hai bên sông Truồi, nên người ta gọi là làng Truồi. Nhờ phù sa bồi đắp nên dâu Truồi ở đây thơm ngon nức tiếng khắp nơi.
Tham quan các điện thờ, nghe các thầy giảng về nguồn gốc của Phật pháp, phái Trúc Lâm và quá trình xây dựng chùa mới thấy bàn tay tài hoa của những người thợ nơi đây. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã vì thế, không chỉ là một địa điểm du lịch tâm linh ở Thừa Thiên - Huế mà du khách còn được thưởng ngoạn nét cổ kính của ngôi chùa, những hoa văn họa tiết tôn lên vẻ cổ kính, thanh tịnh, trang nhã. Nơi đây còn phảng phất mùi hương trầm thoát tục, nghe tiếng chuông thiền ngân nga, du khách được tận hưởng cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, lột bỏ mọi ưu phiền. Đến xứ Truồi, du khách còn được thưởng thức đặc sản như quả dâu, mít thơm, và đặc biệt là cá suối tươi ngon vừa câu lên từ những con suối quanh năm trong vắt.
Tháng năm, khi tiếng ve gọi hè vang rền khắp nơi cũng là lúc các nhà vườn xứ Truồi bước vào vụ thu hoạch. Thời điểm này, những vườn dâu trong làng đều sai cành, trĩu quả. Những cành dâu khin khít trái, trái buông xuống đeo bám quanh thân cây, quả nào cũng tròn trĩnh. Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp khiến du khách quên đi cảm giác mệt mỏi, cẳng thẳng và sự ồn ào náo nhiệt trong thành phố. Chẳng thế mà từ lâu trong dân gian vẫn tồn tại câu ca dao: Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu/Ai đi đến đó lòng không muốn về.../.