Non nước Việt Nam

Di dời ngôi chánh điện 1.000 tấn tại cổ tự Diệu Đế

Cập nhật: 16/09/2022 09:41:53
Số lần đọc: 950
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư, ở thành phố Hồ Chí Minh và các cộng sự đang thực hiện di dời ngôi chánh điện Đại Hùng có trọng lượng khoảng 1.000 tấn ở chùa Diệu Đế, thành phố Huế.


Trước khi dịch chuyển ngôi chánh điện Đại Hùng, ông Nguyễn Văn Cư cùng kíp thợ đã tiến hành đổ hệ đa kiềng phía dưới đỡ tòa nhà. Sau 2,5 tháng thi công, các công đoạn nâng móng hoàn tất, 12 công nhân và máy móc chuyên dụng như ben thủy lực, 2 máy vận hành để rút kéo công trình về phía sau 18m, tạo cảnh quan thông thoáng, phù hợp với sinh hoạt của chùa Diệu Đế. Ngôi chánh điện đã 70 năm tuổi, tường nứt nhiều chỗ nên ông Nguyễn Văn Cư đưa ra phương án đổ một hệ đà dưới ôm tất cả các hệ tường và cột ở trên ngôi chánh điện. Việc đào móng gỡ ra để làm hệ đà phải thực hiện từng đoạn 1-1,2m. Tất cả các đà ngang và đà dọc tổng chiều dài 180m.

 Công nhân chuẩn bị máy móc để di dời ngôi chánh

Hiện ngôi chánh điện đã được di dời cách vị trí cũ khoảng 6m. Dự kiến trong vòng 1 tuần nữa, công trình sẽ được di chuyển đến nơi mới, sau đó, nâng cao thêm 15cm. Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Công ty TNHH xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư cho biết: “Hiện nay, công trình tôi sử dụng là 10 công nhân và hai người vận hành máy để dịch chuyển công trình này. Dịch chuyển bằng ván, lăn và dùng hai cái máy để vận hành, 4 con be chịu lực để kéo chùa đi, đảm bảo dời đến đích an toàn, công trình không bị phá hủy. Thứ hai, khi dời đến đó thì nâng cao chùa lên 15cm. Dự kiến thời gian dịch chuyển đến điểm đích và nâng công trình lên là khoảng 10 ngày".

Các bệ thờ trong ngôi chánh điện được giữ nguyên khi di dời.

Chùa Diệu Đế được vua Thiệu Trị cho xây dựng năm 1844. Đến năm 1887, các công trình chính của chùa đều bị triệt giải. Từ năm 1953 - 1955, Hoà thượng trụ trì Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại.

Các công đoạn di chuyển ngôi chánh điện chùa Diệu Đế được “thần đèn” Nguyễn Văn Cư và các công nhân thực hiện đảm bảo an toàn.

Việc dịch chuyển chánh điện Đại Hùng nhằm giữ gìn những giá trị lịch sử của văn hóa Phật giáo Huế. Đồng thời, giữ nguyên hiện trạng nhằm bảo tồn bức tranh Long Vân Khế Hội hay còn gọi là Cửu Long Ẩn Vân vẽ ngay trần điện Đại Hùng dài 10 mét, rộng gần 11 mét. Bức tranh vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần điện và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa của nhà Phật. Bức tranh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” vào tháng 3/2008./.

Lê Hiếu

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 15/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT