Di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bến ở Ninh Bình
Tháng 3 năm 981, quân Tống tiến quân xâm lược nước ta ở vùng Lạng Sơn, ở Tây Kết và ở phía sông Bạch Đằng, Lê Hoàn tự làm tướng, cất đại binh thủy bộ hai đường chống giặc. Tại ngã ba sông Đáy và sông Vân Sàng(dân gian gọi là ngã ba Non Nước, đến thời Lý - Trần là Phúc Thành Hải Cảng), nay có địa danh là Đồng Bến, Vua Lê Đại Hành trực tiếp thống lãnh thủy quân, gươm giáo chỉnh tề, tiến thẳng ra Bạch Đằng giang nghênh địch, chiến thắng lẫy lừng.
Năm Nhâm Ngọ 982, Lê Đại Hành lại đích thân cầm quân đánh ChiêmThành để phạt tội vua Chiêm Thành đã bắt giam hai sứ thần nước ta. Vua Lê chém được đầu vua Chiêm Thành tại trận, vừa một năm trở về mở hội khải hoàn.
Vua Lê Hoàn băng hà ngày mồng tám tháng ba năm Ất Tỵ (1005) ở điện Trường Xuân (kinh đô Hoa Lư), thọ 64 tuổi. Để tưởng nhớ và ghi nhận những công lao, đóng góp của Ngài, quần thân và nhân dân trăm họ đã xây đền trên bến sông Ngã Ba Non Nước gọi là đền Đồng Bến để thờ Ngài và các tướng lĩnh của Ngài.
Đền Đồng Bến tọa lạc trên kiểu đất “Long triều hàm ngọc”: chính tòa và hậu cung nằm giữa đỉnh trán long phú, hai bên đền có hai giếng nước trong suốt bốn mùa là mắt rồng (long tỉnh), phía trước đền có gò đất là viên ngọc bảo (gò trồng cây lộc vừng). Đây là thế đất linh, đại quý của hải cảng Phúc Thành xưa.
Đền Đồng Bến ngày nay đã được UBND thành phố Ninh Bình tu bổ, tôn tạo khá khang trang nhưng vẫn bảo tồn được những vẻ cổ kính, uy nghi. Là địa danh lịch sử chứng kiến hai cuộc xuất binh đại thắng lừng lẫy của quân và dân ta dưới thời Vua Lê Đại Hành, địa danh Đồng Bến – Ngã Ba Non Nước –Hải cảng Phúc Thành xứng danh cùng Bạch Đằng, Chi Lăng trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm lần thứ hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.