Khám phá di tích quốc gia đặc biệt - Núi Non Nước (Ninh Bình)
Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu dưới chân núi Non Nước (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Anh Tuấn
Những cái tên
Thời vua Đinh Tiên Hoàng, thế kỷ thứ X (khoảng năm 968 - 970), triều đình nhà Đinh lấy núi làm bức bình phong trấn ngự kinh đô Hoa Lư và đặt tên là “Ngự trấn phòng sơn”. Thời vua Lê Đại Hành (980 - 1005), đổi tên thành “Băng sơn”. Thời Trần (thế kỷ XIII), danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu về ẩn dật ở nơi này, thấy cảnh núi đẹp, có hình tựa như một con chim trả màu xanh biếc đang nghiêng mình tắm ở cửa biển, nên ông đặt mỹ tự: “Dục Thúy sơn hải khẩu” nghĩa là chim trả tắm mình ở cửa biển, theo đó núi Non Nước được gọi là Dục Thúy sơn. Người đương thời thường gọi tắt là “Thúy sơn”.
Thời Nguyễn Gia Long, lấy Thuận Hóa (Huế) làm kinh đô, Nhà Nguyễn đã đổi đất Hoa Lư thành “Thanh Hoa ngoại trấn”, núi Thúy cũng được gọi là Thanh Hoa ngoại trấn sơn. Đến thời Minh Mệnh (1821) nhà Nguyễn lại đổi núi Thúy thành “Hộ Thành sơn” (Núi Hộ Thành).
Dù mang rất nhiều cái tên nhưng tên gọi “núi Non Nước” và “núi Thúy” ngày nay đã trở nên quen thuộc và gắn bó với người dân Ninh Bình và du khách thập phương.
Nơi gắn liền với các sự kiện lịch sử
Nằm ở vị trí trọng yếu, án ngữ toàn bộ ngã ba sông Đáy, sông Vân, quốc lộ 10 và nhiều đường giao thông quan trọng, nên núi Non Nước vô tình trở thành nơi ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt, núi Non Nước là trạm tiền tiêu của kinh thành Hoa Lư. Sau đó, chính nơi đây lại chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng trong lịch sử đất nước: từ bến Vân Sàng dưới chân núi, hoàng hậu nhà Đinh, Dương Vân Nga đã trao áo Long Bào cho tướng quân Lê Hoàn, thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực từ triều đại nhà Đinh sang nhà Tiền Lê.
Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, núi Non Nước là nơi để hiệu triệu tinh thần đấu tranh của nhân dân chống giặc ngoại xâm… Năm 1929, để tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng, khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng và kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy (1914-1932) anh dũng xung phong nhận nhiệm vụ cắm cờ trên núi Non Nước. Sau sự kiện này, Lương Văn Tụy bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh năm 1932.
Hiện, dọc đường lên núi vẫn còn lô cốt và nhiều vết tích của bom đạn thời chiến tranh. Một số tảng đá có khắc chữ bị bom đạn làm vỡ, rơi xuống dưới chân núi, hiện vẫn còn dấu vết.
“Bảo tàng thơ”
Nổi tiếng là “cảnh tiên cõi tục” nên Non Nước còn là ngọn núi được nhiều danh sỹ lựa chọn làm đề tài để sáng tác thơ ca. Hiện nay, trên vách núi vẫn còn lưu giữ khoảng 30 bài thơ khắc trên đá của các vị vua, công hầu khanh tướng, các danh nhân, thi sĩ nổi tiếng như: Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà… Trong đó, Trương Hán Siêu là người lưu bút tích một bài thơ khắc vào đá, cũng là bài thơ “đặt tên” cho ngọn núi này.
Sơn sắc thượng y y,
Du nhân hồ bất quy?
Trung lưu quang tháp ảnh,
Thượng giới khải nham phi.
Phù thế như kim biệt,
Nhàn danh ngộ tạc phi.
Ngũ hồ thiên địa khoát,
Hảo phỏng cựu ngư ky.
Dịch nghĩa:
Sắc núi vẫn (xanh) mượt mà
Người đi chơi sao không về
Giữa dòng sáng ngời bóng tháp
Thượng giới mở cánh cửa hang
Có cách biệt với cuộc đời trôi nổi như ngày nay
Mới biết rõ cái danh hờ trước kia là không đúng
Trời đất ở Ngũ hồ rộng thênh thang
Hãy tìm lại tảng đá ngồi câu khi trước.
183 bậc đá
Đến Ninh Bình, du khách tuyệt đối không nên bỏ qua điểm tham quan núi Non Nước. Bởi tới đây, bạn có thể tìm hiểu được địa thế cảnh quan, phạm vi của kinh thành Hoa Lư xưa và quá trình biến đổi về địa hình địa mạo của vùng đất Ninh Bình từ xưa đến nay. Nơi đây cũng cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng về nghề chạm khắc đá ở Ninh Bình.
Đặc biệt, vào những ngày cuối và đầu năm, khi thời tiết vẫn còn chút se lạnh, bạn sẽ dễ dàng được tận hưởng một không khí trong lành và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của ngọn núi.
Du khách leo 183 bậc đá để lên được đỉnh núi. Trên đỉnh núi khá bằng phẳng, cây cối xanh mát. Trên cao, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sông nước hữu tình, mây trời tuyệt đẹp. Nơi đây, có bức tượng của người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy; có lầu đón gió được xây dựng từ thế kỉ XIV là nơi dành cho Trương Hán Siêu cùng với những tao nhân và các vị văn sĩ ngồi tọa đàm ngâm thơ.
Phía Tây Bắc của đỉnh núi hiện vẫn còn dấu vết một lô cốt do thực dân Pháp xây dựng để quan sát, canh phòng. ở phía Đông Nam, trên đỉnh núi cao nhất có dựng một cột cờ Tổ quốc. Quan sát trên các vách núi, bạn cũng dễ dàng tìm thấy hàng chục bài thơ được khắc trực tiếp vào núi.
Ngoài ra, dưới chân núi Non Nước còn có đền thờ Trương Hán Siêu và chùa Non Nước. Đền thờ Trương Hán Siêu được kiến trúc theo kiểu chữ đinh. Trên đỉnh đền có hai con rồng chầu mặt nguyệt. Gian Bái Đường ở hai bên cắm bát cửu. Gian cuối cùng của Hậu Cung có tượng thờ Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng. Chùa Non Nước là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông. Gần đây chùa đã được tu sửa lại khang trang.