Có một Yên Tử đêm thật khác lạ
Chùa Đồng lung linh, huyền ảo trong ánh điện đêm.
Hành trình khám phá Yên Tử đêm của tôi chính thức tính từ chân ga cáp treo 2 qua An Kỳ Sinh và lên đỉnh chùa Đồng, với đoạn đường dài gần 800m và buộc phải đi bộ. Do đặc thù công việc, tôi đến Yên Tử khá thường xuyên nên đối với tôi, Yên Tử không lạ, nhưng đó là ban ngày, còn ban đêm, Yên Tử lạ thật.
Dù ở trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, nhưng trong màn đêm tôi vẫn nhìn thấy, hoặc hình dung ra khá rõ các vị trí cây cối, mỏm đá, bảng biển, hàng rào bởi ánh sáng hắt lên từ hệ thống đèn điện được lắp kín đáo dưới các bậc đá. Một cảm nhận khác đó là, trong không gian tĩnh mịch, tai tôi nghe rõ từng chuyển động của gió, lá cây và giàn hòa ca của các loại côn trùng trong đất.
Có lẽ khung cảnh ấy của Yên Tử, khiến bất cứ ai cũng đều có những cảm nhận của riêng mình. Và tôi may mắn có đến vài người bạn đồng hành trong chuyến trải nghiệm Yên Tử đêm này. Họ là nhân viên của Ban Quản lý rừng quốc gia và di tích Yên Tử.
Bộ hành ở Yên Tử, nhất là đoạn lên chùa Đồng dài 800m này không ai là không mất sức, cảm thấy mỏi chân, hụt hơi là thường. Thế nhưng đi vào ban đêm, cảm giác đó ít hơn hẳn, có lẽ không gian thoáng hơn, không khí trong lành hơn, nên đã tạo cho tôi tinh thần hưng phấn, bước chân nhẹ nhàng. Chẳng mấy chốc tôi qua An Kỳ Sinh nơi có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông rồi lên đến chùa Đồng, ngôi chùa đúc bằng đồng nguyên khối trên đỉnh núi độc đáo nhất Việt Nam.
Ở An Kỳ Sinh và chùa Đồng, nếu như ban ngày, tôi có thể thấy rõ từng chi tiết tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hay các chi tiết từ mái, cột, xà… của chùa Đồng để cảm phục sự tài hoa, tinh tế của những người thợ đúc, thì trong màn đêm tôi lại chỉ thấy được những góc cạnh của các công trình này hắt lên qua ánh điện. Thế nhưng, bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và ngôi chùa làm bằng đồng có một không hai này vẫn sừng sững và vững chãi, hoà quyện cùng đất trời.
Trên đỉnh chùa Đồng đêm, hướng mắt nhìn về Legacy dưới chân Yên Tử, tôi hình dung như cung điện, làng mạc nhà Trần xưa với hàng loạt những căn phòng sáng; nhìn xa về phía cảng Chùa Vẽ Hải Phòng tôi thấy chiếc sa bàn nhấp nháy; quay ngược lại phía Tây Yên Tử có thể tưởng tượng ra những đợt sóng rừng nối tiếp nhau. Đó là những góc nhìn, nếu không phải Yên Tử đêm thì sẽ không thể thấy được...
Yên Tử ban đêm quả thật đẹp và rất khác lạ so với Yên Tử ban ngày. Không ít du khách đã biết đến vẻ đẹp này, nếu không trải nghiệm hành trình khám phá Yên Tử đêm. Nhiều đoàn phật tử đã từng tổ chức các buổi bộ hành Yên Tử đêm. Tuy nhiên hiện nay, do đặc thù núi cao, hệ thống điện, đường và các phương tiện bảo hộ chưa đồng bộ nên Yên Tử chưa đón khách đêm, việc tự mình đi bộ lên Yên Tử vào ban đêm là khá nguy hiểm, ngoại trừ một số gói sản phẩm du lịch đặc biệt, do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cung cấp hoặc tour VIP đặt trước.
Đơn cử như gói sản phẩm “Lên đỉnh chùa Đồng đón ánh bình mình” của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm được triển khai thời gian gần đây. Gói sản phẩm này dành cho khoảng dưới 5 khách, có hướng dẫn viên riêng, có dịch vụ phục vụ đi kèm. Du khách xuất phát vào khoảng lúc 3h sáng, lên chùa Đồng vào lúc 5h sáng, được trải nghiệm thời khắc đón bình minh đặc biệt, được thưởng trà, ăn nhẹ và thư thái xuống núi khi trời đã sáng hẳn.