Hoạt động của ngành

Điểm đến văn hóa mới lạ hút khách dịp nghỉ lễ tại Đắk Lắk

Cập nhật: 05/09/2022 07:14:52
Số lần đọc: 780
Một số địa điểm tham quan, bảo tàng tư nhân mới mở tại Đắk Lắk với những nét độc đáo riêng về văn hóa của các dân tộc tại chỗ được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm.  


Sau khi đi dạo một vòng tại điểm tham quan Xứ sở voi Đắk Lắk ở xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, anh Võ Lê Trung Hiếu, ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột nán lại trước “bức tường tượng voi” để nghe giới thiệu, xem qua các tài liệu về voi được sưu tầm, trưng bày tại đây.

Anh Hiếu chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên tại Đắk Lắk, nơi có số lượng voi nhà nhiều nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay số lượng đàn voi nhà ngày càng ít và già đi, do đó, việc lưu trữ lại những hình ảnh, biểu tượng về voi càng trở nên quý giá, giúp cho những người chưa tận mắt nhìn thấy voi thật vẫn có thể hình dung, tưởng tượng ra một cách dễ dàng. Bản thân anh Hiếu cũng là một người thích sưu tầm đồ cổ, đồ quý hiếm nên anh thường xuyên tới đây tìm hiểu, tham khảo.

Khách tham quan nhìn ngắm tượng voi được gắn trên tường.

Anh Võ Lê Trung Hiếu nói: "Mình dành thời gian xuống đây để tham khảo thêm kiến thức về đồ cổ xưa, như là vật phẩm voi tại điểm tham quan Xứ sở voi. Ở đây trưng bày rất nhiều sản phẩm có giá trị sưu tầm cao và nhiều món rất quý hiếm. Không gian ở đây thì rất hoài cổ, hoài niệm, thích hợp cho những người thích đồ cổ xưa".

Được mở cửa một tháng nay, điểm tham quan Xứ sở voi Đắk Lắk thường xuyên tiếp đón du khách đến tham quan, chụp hình lưu niệm và giao lưu, trao đổi về cổ vật. Anh Võ Minh Luân, chủ sở hữu điểm tham quan cho biết tại đây hiện có hàng ngàn tượng voi với khoảng 200 mẫu khác nhau, được làm từ nhiều chất liệu như gốm, đất nung, gỗ, kim loại, thuộc các dòng gốm nổi tiếng Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu, Thành Lễ. Độc đáo nhất là “bức tường tượng voi” với hơn 2.000 tượng voi gốm độc đáo, lạ mắt được gắn kết lên bức tường lớn. Trong 10 năm qua, anh Luân dày công sưu tầm, tìm kiếm các tài liệu, hiện vật khắc họa hình tượng voi để làm phong phú thêm bộ sưu tập cá nhân, giới thiệu, công bố rộng rãi đến công chúng và du khách.

Giới thiệu về quá trình sưu tầm tượng voi xưa bằng gốm lớn nhất Tây Nguyên

Với tên gọi “Xứ sở voi Đắk Lắk”, anh Luân hi vọng thông điệp về bảo tồn văn hóa truyền thống, lưu giữ hình tượng voi tại vùng đất Tây Nguyên sẽ được lan tỏa rộng rãi: "Mình mong muốn rằng bằng nhiều hình thức, cùng với chính quyền địa phương truyền tải thông điệp đến tất cả mọi người dân và du khách hãy chung tay bảo tồn loài voi. Thông qua những hiện vật voi như thế này, tôi cũng muốn truyền tải thông điệp đó để làm sao cho tất cả mọi người biết và bảo tồn loài voi, để voi không bị tuyệt chủng trên chính vùng đất của nó ở đây".

Cũng là điểm đến mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống, bảo tàng và homestay Ama H’Mai, tọa lạc tại buôn Kmrơng Prong B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột tạo cho du khách sự gần gũi, ấm cúng. Với thiết kế không gian theo kiểu nhà dài truyền thống của người Êđê, cách bố trí đặc trưng với ghế Kpan, bộ cồng chiêng, ché cổ và bếp lửa. Cùng với đó là không gian trưng bày, lưu giữ hàng nghìn hiện vật liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt, trang sức, săn bắn... của các dân tộc Tây Nguyên với nhiều hiện vật quý hiếm.

Ông Mẫn Phong Sơn (thứ 2 từ phải qua) giới thiệu với du khách về không gian văn hóa tại bảo tàng Ama H'Mai.

Ông Mẫn Phong Sơn, chủ sở hữu Bảo tàng và homestay Ama H’Mai chia sẻ, không chỉ du khách từ xa đến tham quan và lưu trú, hàng ngày ở đây tiếp đón rất nhiều người dân sinh sống quanh đó. Nhất là vào buổi sáng, khi bếp lửa cháy đượm, hạt cà phê rang mộc trên chảo thơm lừng được xay thủ công rồi pha trong những bao vải. Mọi người ngồi thưởng thức cà phê theo cách riêng của mình, trải nghiệm những đồ vật quen thuộc, kể cho nhau nghe về những vật dụng từng gắn bó với đời sống hàng ngày.

Theo ông Mẫn Phong Sơn, đó chính là những giá trị tinh thần góp phần lan tỏa tình yêu với văn hóa giữa cuộc sống đương đại: "Từ khi bảo tàng thành lập thì chúng tôi lấy nhu cầu của công chúng làm trọng tâm hoạt động của bảo tàng. Ngoài lưu trữ về những hiện vật quý ra thì nơi này còn mang một thông điệp truyền tải về đời sống vật chất và tinh thần của người bản địa. Tôi rất chú trọng về phong tục tập quán và văn hóa người bản địa, đó là nền tảng của Bảo tàng Ama H’Mai".

Cùng với các lễ hội, nghi lễ truyền thống đang được tổ chức ở nhiều địa điểm trong tỉnh, du khách đến với Đắk Lắk trong dịp này có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm nhiều hơn những nét độc đáo của văn hóa các dân tộc. Với hướng đi mới chú trọng khai thác yếu tố văn hóa để tạo điểm nhấn, nhiều điểm tham quan, du lịch và bảo tàng tư nhân ở Đắk Lắk đang góp phần lan tỏa thông điệp về tình yêu văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống theo hướng hiện đại, gần gũi và mang hơi thở đời sống nhiều hơn./.

H Xíu

Nguồn: Báo Điện tử VOV- vov.vn - Đăng ngày 03/9/2022

Cùng chuyên mục