Điện Biên: Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt khó trong đại dịch
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra công tác thuyết minh, hướng dẫn năm 2021 tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: CTV
Thực hiện các quy định về phòng chống dịch (hạn chế tập trung đông người, ngồi giãn cách trên các phương tiện giao thông...) và tâm lý e ngại dịch bệnh khiến lượng khách du lịch đến Điện Biên giảm rất mạnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, tạm thời bố trí cho nhân viên nghỉ việc, dừng việc. Dự ước 8 tháng qua, lượng khách du lịch đến Điện Biên là 328.596 lượt, đạt 36,1% kế hoạch năm (trong đó chỉ có 344 lượt khách quốc tế). Tổng thu từ hoạt động du lịch ước 538,7 tỷ đồng, đạt 41,4% kế hoạch năm. Số lao động hoạt động trong ngành du lịch giảm mạnh từ 14.000 người xuống còn khoảng 3.000 người (trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp). Lực lượng lao động này chuyển sang các ngành, lĩnh vực khác để duy trì thu nhập, đảm bảo đời sống; nhưng sẽ gây khó khăn rất lớn đối với phục hồi hoạt động du lịch sau dịch bệnh.
Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch, như: Triển khai hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 tại địa chỉ safe.tourism.com.vn của Tổng cục Du lịch tại các cơ sở lưu trú du lịch; nâng cao nhận thức của nhân viên và khách du lịch trong thực hiện các biện pháp an toàn; chuẩn bị dung dịch sát khuẩn; thực hiện đầy đủ quy định 5K của ngành Y tế... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch hoàn thiện thủ tục giảm giá điện theo quy định tại Nghị quyết 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3), đến nay đã có 75 cơ sở lưu trú du lịch được hưởng chính sách giảm giá tiền điện đến hết tháng 12/2021; hỗ trợ 1 hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, như: Nghiên cứu, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật, làm mới sản phẩm, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng dịch vụ. Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho người lao động. Vận động, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tích cực hưởng ứng tham gia các chương trình kích cầu du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phối hợp với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch tại Hà Nội và các chương trình khảo sát sản phẩm dành cho các cơ quan truyền thông và doanh nghiệp lữ hành.
Đúc rút kinh nghiệm qua các đợt dịch bệnh Covid-19, ông Đoàn Văn Chì cho rằng du lịch an toàn là một trong hướng đi, gợi mở nhiều cơ hội để ngành du lịch vượt qua thách thức, nhận định được xu hướng phát triển, nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới. Đó là sự an toàn, thân thiện của điểm đến; xu hướng dịch chuyển từ đi du lịch nước ngoài sang du lịch nội địa; xu hướng khách du lịch đi theo nhóm nhỏ; xu hướng linh hoạt sử dụng các dịch vụ trong chuyến đi... Và để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, phục hồi có hiệu quả hoạt động du lịch và thích ứng với trạng thái bình thường mới, ngành Du lịch Điện Biên sẽ hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, xúc tiến quảng bá du lịch, phục hồi và phát triển thị trường khách du lịch. Xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn, linh hoạt hơn, chủ động sẵn sàng thích ứng; có cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả nhằm kiểm soát, hạn chế tác động ảnh hưởng và quản trị khủng hoảng hiệu quả hơn. Xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn; các chương trình, chiến dịch xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Cùng với đó là tham mưu, đề xuất ban hành và triển khai kịp thời các giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng (hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ…), chính sách hỗ trợ việc làm và đào tạo nhân lực để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Bài, ảnh: Gia Kiệt