Định hướng phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia
Vẻ đẹp lòng hồ thủy điện Sơn La (Ảnh: mocchautourism.com)
Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2024 hồ thuỷ điện Sơn La được đưa vào danh mục là khu du lịch tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2025, định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La theo hướng thành khu du lịch quốc gia.
Đến năm 2030, hoàn thành 50% các điều kiện công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2040, tổ chức công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia.
Đề án đặt ra mục tiêu tổng số khách đến năm 2025 là 785.000 lượt và đến năm 2030 là 1,33 triệu lượt; Tổng thu từ du lịch đến năm 2025 là 1.678 tỷ đồng và đến năm 2030 là 6.846 tỷ đồng.
Về thị trường khách du lịch, giai đoạn đến năm 2025, đối với khách nội địa, tập trung thu hút khách nội tỉnh, khách từ các tỉnh Trung du miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, Miền Tây Nam bộ, khách du lịch sinh thái, thể thao, trải nghiệm khám phá, thương mại công vụ. Thị trường khách quốc tế thu hút khách từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Tây Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương,… Khai thác qua cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu), cửa khẩu Chiềng Khương (Sông Mã), cửa khẩu Tây Trang, Huổi Puốc - Na Son của Điện Biên,…
Giai đoạn đến năm 2030, mở rộng, thu hút thị trường khách từ Hà Nội, duyên hải Đông Bắc, từ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và các địa phương khác trên cả nước. Chú trọng tăng trưởng thị trường khách phân khúc cao cấp, khách nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Thị trường khách quốc tế có Nhật Bản, Đông Âu, khách ưa du lịch thể thao (golf, thể thao dưới nước)…
Về sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm đặc thù, bao gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe: Nghỉ dưỡng “Biển trong lòng núi”; Nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe; Nghỉ dưỡng theo mô hình bất động sản nghỉ dưỡng. Du lịch Golf và thể thao: Thể thao trên cạn (Golf, dã ngoại, đạp xe, leo núi…); Thể thao mặt nước (chèo thuyền kayak, đua thuyền, …); Thể thao trên không (dù bay, trực thăng, khinh khí cầu, zipline, …). Du lịch sự kiện, lễ hội: Tổ chức các hoạt động lễ hội du lịch thường niên vào các mùa trong năm bao gồm cả các lễ hội truyền thống và các sự kiện, lễ hội mới, độc đáo, sự kiện gắn với đô thị, sự kiện thể thao mang tầm khu vực…
Ngoài ra sẽ có những sản phẩm bổ trợ như: Du lịch sinh thái: Du lịch sinh thái hồ, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên. Du lịch cộng đồng: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn khai thác, làm nổi trội tính nguyên bản của các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, La Ha, Kháng). Du lịch văn hóa: Tham quan, tìm hiểu hệ thống di tích lịch sử, văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số.
Về không gian, lãnh thổ, lòng hồ thuỷ điện Sơn La sẽ được chia làm 3 phân khu du lịch và 3 trung tâm dịch vụ du lịch.
Cụ thể, phân khu du lịch biển hồ Quỳnh Nhai là phân khu du lịch động lực, tạo nên thương hiệu, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp theo mô hình các khu du lịch phức hợp với đa dạng các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao và golf, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Phân khu du lịch nghỉ dưỡng Mường La là phân khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp theo mô hình các resort vừa và nhỏ, đa dạng về loại hình và các phong cách kiến trúc cũng như dịch vụ.
Phân khu du lịch gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Mường La là phân khu du lịch bổ trợ, là phân khu du lịch sinh thái, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học.
Trong khi đó, 3 trung tâm dịch vụ du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La gồm có: Trung tâm dịch vụ du lịch Mường Giàng là trung tâm đầu mối, tiếp đón khách du lịch, trung tâm thể thao, trung tâm thương mại dịch vụ, khu hội nghị, hội thảo; cửa ngõ tiếp đón, trung tâm trưng bày, triển lãm;trung tâm thông tin, đại lý du lịch, phát triển đô thị Mường Giàng.
Trung tâm dịch vụ du lịch Ít Ong là điểm lưu trú, trung tâm đón tiếp du khách, cung cấp các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí... và hướng dẫn du khách đi tham quan các điểm du lịch.
Trung tâm dịch vụ du lịch Ngọc Chiến là trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm đón tiếp, khu hội nghị hội thảo; là không gian du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp gắn với lòng hồ thủy điện Nậm Chiến và nguồn lợi suối khoáng nóng tự nhiên, tài nguyên du lịch cộng đồng và cảnh quan thiên nhiên rừng núi Mường La.
Về lộ trình thực hiện dự án, năm 2022 phê duyệt và công bố đề án; năm 2023 - 2024 trình bổ sung Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia.
Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ lập Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Giai đoạn 2024 - 2030: Kêu gọi thu hút đầu tư theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật và đầu tư dự án cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư đảm bảo đạt các tiêu chí trở thành khu du lịch quốc gia. Sau năm 2030 sẽ lập hồ sơ công nhận Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Trung tâm Thông tin du lịch