Tăng cường hợp tác Hàng không - Du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Hội thảo có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, cùng gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp hàng không, du lịch trên cả nước; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trung
ương và địa phương.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. Ảnh: TITC
Tại hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng. Trước diễn biến đó, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch, không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19; từ ngày 27/4/2022 dừng việc khai báo y tế với Covid-19 đối với người nhập cảnh; từ ngày 15/5/2022, du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh.
Đồng thời công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam cũng được đẩy mạnh, nhất là trên các nền tảng số. Đặc biệt, nhân dịp SEA Games 31 trong năm qua, ngành du lịch đã chủ động tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao Đông Nam Á và du khách trên thế giới...
Thứ trưởng đánh giá ngành hàng không trong thời gian qua đã rất nỗ lực, khẩn trương, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, đem đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt đẹp; đồng thời góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.
Ảnh: TITC
“Tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vừa diễn ra ngày 21/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: Mặc dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm, trong đó có mở cửa du lịch, là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có "điểm nghẽn". Hội thảo này là hoạt động đầu tiên ngành Du lịch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị ngày 21/12 để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và phát triển du lịch bền vững”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.
Thứ trưởng đề nghị hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Đánh giá thách thức, cơ hội của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới; Định hướng của ngành hàng không trong việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; Giải pháp liên kết phối hợp ngành hàng không và du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính, cắt giảm quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh…
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời của ngành du lịch và hàng không. Hợp tác giữa du lịch và hàng không tạo cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho du khách Việt Nam và quốc tế. Tổng cục Du lịch luôn đồng hành, phối hợp với các hãng hàng không để thúc đẩy các đường bay, phát triển thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Tổng cục trưởng nhấn mạnh, việc mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022 và mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022 đã góp phần hiệu quả thúc đẩy vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia. Việc phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ hàng không - du lịch không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, mà còn tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Mục tiêu năm 2023 ngành du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng du lịch và hàng không phải tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, tập trung triển khai các giải pháp gồm có: Đẩy mạnh hợp tác xây dựng các gói combo sản phẩm du lịch có chất lượng, giá cả phù hợp, hợp tác đầu tư khai thác các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam. Tập trung triển khai thật tốt chiến dịch xúc tiến, quảng bá ‘’Live fully in Viet Nam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) mang lại những hoạt động du lịch - hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách.
Tăng cường ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ cung ứng. Phát triển nhiều sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng, hệ thống vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.
Xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không - du lịch trên cơ sở cùng phát triển, đồng thời kết nối với các ngành khác như logistics... Đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của ngành hàng không, giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng sân bay.
Bên cạnh đó, hai ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp hàng không và du lịch khắc phục hậu quả do Covid-19 để lại, sớm phục hồi và phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, nhờ vào sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không trong việc xúc tiến các đường bay quốc tế mới, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt, các hoạt động giao thương diễn ra sôi nổi, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp các nước, nhiều sự kiện nổi bật được tổ chức. Trong đó phải kể đến Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á Routes Asia 2022. Đây là sự kiện kết nối du lịch - hàng không hàng đầu châu Á, lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng thu hút hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực hàng không - du lịch. Với những nỗ lực nói trên, trong năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ở Đà Nẵng ước đạt 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với năm 2021, phục hồi 50% so với năm 2019.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng hội thảo “Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu” là một cơ hội để cùng nhìn nhận về bức tranh tổng thể của hàng không và du lịch Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, từ đó đánh giá chính xác cơ hội, thách thức và đề ra các giải pháp để khôi phục và phát triển ngành du lịch và hàng không trong những năm tới. UBND thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục hoạt động du lịch - hàng không trên địa bàn thành phố.
Đại diện Cục hàng không Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
Để phục hồi vận tải hàng không quốc tế, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian tới, Cục HKVN sẽ tiếp tục theo dõi, tìm hiểu thông tin, trao đổi làm việc với các nhà chức trách hàng không Trung Quốc, Ấn Độ tạo điều kiện về mặt pháp lý cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này. Tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là việc khai thác đến Cảng hàng không quốc tế. Nghiên cứu việc thiết lập đường bay không lưu quốc tế.
Cục HKVN cũng sẽ tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, thúc đẩy hợp tác hàng không - du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… để kích cầu du lịch quốc tế. Cục HKVN đề nghị Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng, đồng thời xem xét có chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như bay taxi, bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân…
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực phát biểu. Ảnh: TITC
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; Tiếp tục có chính sách tạo thuận lợi cho thu hút du lịch quốc tế. Tháo gỡ nút thắt về vốn, thanh khoản của doanh nghiệp lữ hành, lưu trú; Hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, du lịch số; tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nhân lực du lịch…
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng nhiều thách thức, "điểm nghẽn" để thu hút du khách quốc tế đòi hỏi các Bộ, ngành cùng các địa phương chung tay phối hợp giải quyết chứ không chỉ riêng của ngành Du lịch. Ngay cả vấn đề quảng bá du lịch tại nước ngoài, các nước trong khu vực như Maylaysia, Singapore... cũng đi trước chúng ta và được đầu tư với số tiền rất lớn.
Ông Dũng đề xuất các giải pháp về sản phẩm, thị trường; giải pháp xúc tiến truyền thông, quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường phối hợp thực hiện. Trong giải pháp quản lý nhà nước về du lịch, cần xây dựng chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh về điểm đến; cải thiện các chính sách còn hạn chế liên quan đến du lịch. Tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du lịch - đặc biệt là nhận thức về du lịch cộng đồng, sinh thái, bảo vệ môi trường, du lịch ẩm thực; tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch để tạo ấn tượng đẹp.
Hội thảo kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, nút thắt đang gặp phải của các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch trong nước, qua đó mang đến những gam màu tươi sáng cho ngành du lịch Việt Nam trong tương lai.
Trung tâm Thông tin du lịch