Hoạt động của ngành

Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch Hưng Yên

Cập nhật: 13/11/2019 07:44:52
Số lần đọc: 1469
Ngày 8/11, phát biểu tại Hội thảo “Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch Hưng Yên” do Sở VHTTDL Hưng Yên phối hợp với TCDL tổ chức, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung nhấn mạnh: “Hưng Yên cần xây dựng sản phẩm du lịch lấy tài nguyên nhân văn làm hạt nhân, tập trung vào các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng”...


Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tại Hội thảo

Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Hưng Yên ước đạt trên 1 triệu lượt khách, tăng khoảng 11% so với năm 2018. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế như: tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, tham quan lễ hội truyền thống, du lịch sinh thái, hội nghị, hội thảo, văn hóa ẩm thực… Trong đó có nhiều sản phẩm du lịch được khai thác như lễ hội Chử Đồng Tử Tiên Dung, du lịch văn hoá tâm linh gắn với tour du lịch sông Hồng (Phố Hiến - Đa Hoà Dạ Trạch - Làng gốm Bát Tràng - Hà Nội), du lịch sinh thái Ecopark, làng hoa cây cảnh Xuân Quan, đúc đồng Lộng Thượng, làng nghề hương xạ Thôn Cao và văn hóa ẩm thực với bún thang lươn, chè sen long nhãn, gà Đông Tảo… Các sản phẩm du lịch này đã được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá và những trải nghiệm thực tế trong các chuyến tham quan du lịch tại các khu, điểm du lịch của tỉnh thời gian qua.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Đánh giá tiềm năng, lợi thế và khó khăn trong phát triển du lịch Hưng Yên, qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, hạ tầng cơ sở; trao đổi những kinh nghiệm khai thác tour, tuyến du lịch; đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình, kế hoạch, chính sách và sự phối hợp hành động đồng bộ giữa các ngành, địa phương trong việc quản lý khai thác và phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên.


Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất Hưng Yên có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch; Phố Hiến được xác định là một trong 8 điểm du lịch quốc gia trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh du lịch vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng sản phẩm thấp; nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm đánh thức tiềm năng du lịch Hưng Yên như: Xây dựng sản phẩm du lịch, tạo sản phẩm làm quà lưu niệm, sản phẩm làng nghề mang thương hiệu Hưng Yên; xây dựng mô hình nông nghiệp nông thôn; quảng bá du lịch trong thời đại công nghiệp 4.0; cần phát huy vai trò của người dân và chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng…

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung cho biết, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, trong thời gian tới tỉnh Hưng Yên cần tập trung triển khai các giải pháp như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là những dịch vụ bổ sung đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nâng cấp và đa dạng hóa cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… và quan trọng nhất là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù để tạo thương hiệu du lịch và lợi thế cạnh tranh với các địa phương trong vùng như phát triển các dòng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, tiêu biểu một thời của thương cảng sầm uất Phố Hiến năm xưa, những chương trình du lịch nông thôn thăm quan các làng nghề truyền thống, các trang trại, các vườn cây trái và làng nghề trồng hoa, cây cảnh để thưởng thức các loại đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên, tìm hiểu cách thức chế biến và mua sắm các sản vật địa phương như mật ong hoa nhãn, sữa ong, tương bần... và du lịch đường sông tuyến Hà Nội – Hưng Yên…

“Sau khi xây dựng được sản phẩm du lịch, tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, tham gia các hội chợ, tổ chức các sự kiện giới thiệu du lịch Hưng Yên tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước…”, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.


BTC trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Quang Xuân Vinh sáng tác biểu tượng du lịch Hưng Yên

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cũng bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp các đại biểu làm công tác nghiên cứu du lịch, các nhà kinh doanh du lịch trong cả nước đã đến với tỉnh Hưng Yên để khảo sát, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch. Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ ban hành những cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch để đánh thức tiềm năng lợi thế phát triển du lịch Hưng Yên.

Cũng tại buổi làm việc, BTC cuộc thi sáng tác biểu tượng và khẩu hiệu du lịch Hưng Yên đã tổng kết và trao giải thưởng cho các tác giả, tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sáng tác biểu tượng và khẩu hiệu du lịch Hưng Yên. BTC đã trao giải cho 4 tác phẩm sáng tác biểu tượng du lịch (1 giải Nhất và 3 giải Khuyến khích) và 3 khẩu hiệu du lịch Hưng Yên (3 giải Khuyến khích), trong đó tác giả Nguyễn Quang Xuân Vinh đạt giải Nhất sáng tác biểu tượng du lịch./.

Nguồn: Báo Du Lịch

Cùng chuyên mục