Non nước Việt Nam

Đình làng Hà Trung (Quảng Trị)

Cập nhật: 05/04/2021 08:41:23
Số lần đọc: 1638
Ngôi đình Hà Trung thuộc khóm 7 thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, cách Quốc lộ 1 gần 200 m về phía Đông. Đình tọa lạc trên một khu đất cao thoáng mát. Mặt chính diện hướng ra cánh đồng mênh mông ở phía trước, lưng tựa vào xóm làng trù phú tươi xanh, trông rất uy nghiêm và bề thế. Qua bao chiến tranh tao loạn, ngôi đình vẫn uy nghi giữ nguyên vẻ cổ kính trầm mặc với thời gian.

Đình làng Hà Trung - Ảnh: VIỆT HÀ​

Hà Trung là tên của một làng hiện nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính, gồm xã Gio Châu và thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những làng cổ được thành lập khá sớm của người Việt trên đất Quảng Trị. Theo lời các vị hào lão trong làng thì ngôi đình Hà Trung được tạo dựng khá sớm từ thế kỷ 12 với lối kiến trúc của một ngôi nhà gỗ ba gian, hai chái, mái lợp tranh. Một thời gian dài sau đó, đình bị hư hại, đến những năm đầu thế kỷ 19, dân làng cho đại trùng tu, trở thành một ngôi đình rộng lớn, quy mô, đẹp nổi tiếng trong vùng.

Năm Ất Dậu niên hiệu Đồng Khánh (1885), đình bị đốt cháy. Mãi đến 18 năm sau (1903), Thượng thư Bộ Hộ Trần Đình Phác - người làng Hà Trung đã cùng dân làng tiến hành tạo dựng lại. Lần này, ngôi đình được chuyển về nơi mới, như ta thấy hiện nay.

Căn cứ theo bia đá ở đình ghi lại, được biết ngôi đình khởi công tháng 3/1903 dưới thời Thành Thái, vào tháng 7/1903 thì thượng lương và đến tháng 9/1903 thì hoàn thành. Sau bao biến cố thiên tai và chiến tranh, đình có bị hư hại một phần và đã được Nhân dân sửa chữa lại. Tuy nhiên, kiến trúc ngôi đình vẫn được giữ nguyên như lần tạo dựng ban đầu.

Kiến trúc của đình Hà Trung bao gồm một tòa đại đình nằm ngang theo kiểu chữ “nhất”; mặt trước có hệ thống tường thành và cổng trụ; phía trong sân có bình phong. Từ bên ngoài vào ngôi đình được bao bọc bởi một hệ thống tường rào và cổng trụ ở mặt trước. Cổng chính là hai trụ biểu lớn cao khoảng 5 m, ở phía trên có gắn lồng đèn và hai bầu rượu bằng đá. Các mặt của trụ đều có gắn các câu đối bằng Hán tự với ý nghĩa giáo dục đức tài cho đời sau.

Phía trong khuôn viên có hai cây đa cổ thụ có tuổi thọ trên hàng trăm năm tuổi đang trầm tư rêu phong rũ xuống sân đình. Qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh, tuy nhiên kỳ lạ một điều là các cây xanh ở đây vẫn còn nguyên vẹn như được những oai linh xưa bảo hộ.

Trước mặt tiền của đình là bức bình phong xây bằng gạch theo dạng cuốn thư, mặt ngoài đắp nổi hình “long mã phụ hà đồ”; mặt trong hình hổ phù; hai bên là mai, tùng, cúc, trúc được ghép mảnh sành sứ rất cổ kính, công phu. Các câu đối “Cảnh bình huy bắc đẩu” và “Hiểu chương đối nam sơn”, tả về vị trí rất đẹp của ngôi đình làng Hà Trung.

Theo như lời kể thì cổng, tường thành và bức bình phong này được xây dựng cùng lúc với đình làng và được bảo tồn cho đến ngày nay. Riêng phần mái có thiết kế hai phần, mái trước và mái sau được lợp ngói móc, hai gian chái lợp ngói liệt, nóc và bờ mái đình gắn hình “lưỡng long chầu nguyệt”, các đầu đao gắn “giao hồi văn”. Đặc biệt trên đầu cột hiên có chạm các bông sen đang nở, phía trước các cột đắp nổi các câu đối chữ Hán.

Tòa đại đình được cấu trúc bởi một bộ khung gỗ chịu lực, thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường năm gian thường thấy ở vùng Quảng Trị, tường được xây bít các phía, mặt trước đình là hệ thống cửa bản khoa kéo dài suốt năm gian.

Đình được bố trí thờ cúng theo cách thức: Tiền thần, hậu Phật. Tức là cùng thờ chung Phật và Thần ở trong đình làng. Gian giữa của đình thờ thần linh; hai gian tả; hữu thờ các hàng chiêu, mục. Hai gian chái thờ các vị tiền bối khai sáng hương hiệu ra làng Hà Trung.

Ở gian bên trái của đình có treo một chuông đồng khá lớn và được chạm khắc bằng tay rất công phu. Trên thân chuông ghi lại niên hiệu cho biết được đúc vào thời vua Duy Tân năm 1908. Được biết chuông này Thượng thư Trần Đình Phác đúc phụng cúng cho làng. Đặc biệt trong tòa đại đình còn một bức hoành phi khá lớn có bốn chữ Hán: “Mỹ tục khả phong” được vua Duy Tân ban tặng vào tháng 6/1911. Đây là vinh dự lớn của một làng và điều đặc biệt hiếm có ở các triều đại phong kiến lúc bấy giờ. Đáng chú ý tại ngôi đình hiện còn một tấm bia đá cổ trên đó khắc chữ Hán ghi lại quá trình xây dựng đình và những đóng góp cũng như hành trạng của Thượng thư Bộ Hộ Trần Đình Phác…

Trong khuôn viên là một tòa đại đình nằm ngang và một ngôi miếu thờ ba vị khai khẩn của làng là các ngài Nguyễn Mỗ Đại Lang, Trần Ngọc Thả, Trần Văn Đông.

Theo gia phả của các họ tộc trong làng thì ngài Nguyễn Mỗ đại lang đến vùng đất này trước đó, tiếp sau là hai ngài họ Trần. Các vị đã kết tình thân và chung lưng đấu cật, sáng lập nên hương hiệu làng Hà Trung với những dòng họ, danh nhân rất tài hoa, lỗi lạc như các ngài Trần Đình Ân, Trần Đình Túc, Trần Đình Phác. Đình làng Hà Trung đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trong văn hóa nghệ thuật của Việt Nam thì ngôi đình là một trong những biểu trưng tiêu biểu của dân tộc Việt. Đình làng Hà Trung cũng vậy, đó là sự hài hòa giữa văn hóa tâm linh gắn liền với kiến trúc mỹ thuật xưa của người Việt chúng ta. Những giá trị văn hóa này cần được trân trọng, giữ gìn mãi cho các thế hệ sau.

 

 Nguyễn Việt Hà

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT