Non nước Việt Nam

Phát huy giá trị Di tích Nhà lao Pleiku

Cập nhật: 23/02/2021 08:20:36
Số lần đọc: 873
Từ năm 1925 đến 1975, thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đã lần lượt sử dụng Nhà lao Pleiku (tỉnh Gia Lai) để giam cầm, đày đọa những người yêu nước, chiến sĩ cộng sản. Ngày nay, Nhà lao Pleiku là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.


Di tích Giếng nước sinh hoạt của các tù nhân bị giam giữ tại Nhà lao Pleiku. Ảnh: Phương Linh

Năm 1925, thực dân Pháp xây dựng Nhà lao Pleiku. Ban đầu, nơi đây giam giữ tù thường phạm. Từ năm 1940, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lên cao, nơi đây được bọn thực dân sử dụng để giam giữ, đày đọa những người yêu nước.

Suốt nửa thế kỷ tồn tại, Nhà lao Pleiku là chứng tích bi thương nhưng rất đỗi hào hùng của những chiến sĩ cách mạng, những đảng viên cộng sản bị địch bắt tra tấn, giam cầm, đày đọa, vẫn kiên trung bất khuất đấu tranh đến cùng. Chính trong Nhà lao Pleiku, các tổ chức cơ sở Đảng vẫn được thành lập và phát triển để lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh chị em tù nhân.

Với những giá trị lịch sử của Nhà lao, ngày 12/12/1994, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 3211/QĐ-BT công nhận Nhà lao Pleiku là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Năm 2009, UBND tỉnh chỉ đạo trùng tu một số hạng mục tượng tù nhân, tượng sinh hoạt hàng ngày ở Nhà lao bằng chất liệu composit, bê tông và xây phòng để trưng bày một số hiện vật.  

Với vị trí nằm ngay trung tâm thành phố, Nhà lao Pleiku có nhiều thuận lợi để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, việc tổ chức tham quan, thu hút du khách ở Di tích lịch sử-văn hóa Nhà lao Pleiku vẫn còn một số hạn chế nhất định, chưa tạo được điểm nhấn và ấn tượng thật sự đối với khách tham quan. Vì vậy, lượng du khách đến đây chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị vốn có.

Để Di tích Nhà lao Pleiku thu hút khách tham quan, phát triển bền vững và thật sự trở thành điểm đến của du khách, trong tương lai cần phải có sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hóa ở địa phương.

Bên cạnh việc trùng tu, ngành chủ quản và chính quyền thành phố cần mở rộng sự tham gia của cộng đồng xã hội vào hoạt động đầu tư tôn tạo, tổ chức tham quan du lịch. Cùng với đó, Ban quản lý di tích cần đổi mới phương pháp hướng dẫn tham quan; phối hợp với những công ty du lịch có lượng khách ổn định và uy tín trên thị trường. Cung cấp thông tin về di tích cho các hướng dẫn viên của công ty du lịch, giúp họ hiểu biết nhiều hơn, chính xác hơn, hỗ trợ cho công tác thuyết minh khi đưa khách đến đây. Tổ chức tham quan tại di tích, giúp du khách hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về nội dung giá trị của di tích.

Cùng với đó, Ban Quản lý Di tích Nhà Lao Pleiku cần tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến sinh hoạt ngoại khóa tại di tích, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức sử dụng di sản trong dạy học trực quan, tổ chức cho học sinh tham gia chăm sóc di tích mang tính lịch sử của địa phương. Phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm, tìm hiểu về di tích để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, qua đó có thể làm sáng tỏ phần nào những đặc điểm có liên quan tới di tích, đồng thời đưa hình ảnh di tích tới gần công chúng hơn.

Hơn 95 năm trôi qua nhưng tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các cựu tù chính trị ở Nhà lao Pleiku vẫn mãi mãi là vết son thời gian không bao giờ phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà. Năm 2017, Di tích Nhà lao Pleiku là 1 trong 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai theo bộ tiêu chí công bố tốp điểm đến địa phương của Việt Nam. Với những gì đang có, đang làm và sẽ làm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, chúng ta tin rằng, Di tích Nhà lao Pleiku sẽ là điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách tham quan.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT