Đền Trúc - di tích độc đáo bên dòng Ngàn Phố
Năm 2003, đền Trúc được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền Trúc thờ 2 dũng tướng của Bình Định vương Lê Lợi là Trần Lệ và Trần Đạt. Căn cứ nghĩa quân đóng quân trước đóng tại thành Lục Niên, thuộc huyện lỵ Đỗ Gia, nay thuộc xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn.
Tương truyền, trong trận đánh kịch chiến với quân nhà Minh, ngày 17/4 năm Ất Tỵ (14/5/1425), 2 dũng tướng của Bình Định vương Lê Lợi là Trần Lệ và Trần Đạt bị thương nặng nhưng vẫn hiên ngang trên mình ngựa chỉ huy quân lính.
Hai vị phi ngựa dọc bờ sông đến chỗ đền Trúc thì ngã ngựa. Về sau, trên những vũng máu của 2 dũng tướng mọc lên những khóm trúc, dần dần lan thành rừng trúc rộng lớn.
Để ghi công ơn hai ông, dân làng nơi đây đã lập đền thờ, tôn hai vị là Thành Hoàng làng, gọi là đền Trúc. Về sau triều Lê phong sắc hai ông là “Thượng đẳng tôi linh thần”.
Sau nhiều lần phục dựng, tôn tạo, đền Trúc vẫn giữ lại những nét kiến trúc tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Xa Lang xưa (xã Tân Mỹ Hà ngày nay).
Mỗi tòa đều có mỗi kiểu kiến trúc riêng biệt, điêu khắc, chạm trổ rất công phu. Các đề tài tứ linh, hoa lá cách điệu, rồng ngậm minh châu, rồng chầu nguyệt, rồng lượn trong mây… Nhìn con nào cũng uyển chuyển, mềm mại, mỗi con một vẻ. Trước đền 2 con rồng chầu mặt nguyệt, một con nhìn nghiêng, một con nhìn xuống trông rất sinh động.
Tám kẻ trong Trung điện đều được chạm khắc 2 mặt trước, sau. Nội dung đề tài, kiểu cách chạm khắc đặc và kín, khiến các họa tiết không bị rối, tạo sự cuốn hút cho người xem.
Hiện, đền Trúc còn giữ được nhiều hiện vật quí giá. Đặc biệt là Mộc chủ điêu khắc bài vị Thành hoàng được xem là một tác phẩm nghệ thuật, chạm 4 con cá hóa rồng rất tinh xảo, một chiếc lư hương làm bằng đá thanh, cao 20cm, cùng một chiếc chuông đồng cao 100cm.