Non nước Việt Nam

Đình Ngự Câu (Hà Nội)

Cập nhật: 07/11/2022 08:25:00
Số lần đọc: 591
Đình Ngự Câu (tên Nôm là đình Cầu) thuộc thôn Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội), là nơi thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và phu nhân cùng 8 vị thành hoàng - gồm Đại vương Đô Thiện, hai bà vợ cùng 5 người con, những người có công giúp Thục An Dương Vương dẹp giặc. Sau khi các ngài hóa, dân làng Ngự Câu lập đền thờ, lấy ngày sinh và ngày hóa để tổ chức các lễ tế theo truyền thống.  


Theo các vị cao niên trong làng, đình Ngự Câu được khởi dựng thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI - XVIII). Trải qua thăng trầm lịch sử, khuôn viên đình đã bị thu hẹp hơn trước nhưng vẫn giữ lối kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đình Ngự Câu nhìn ra chợ Cầu theo cấu trúc truyền thống đình - chợ của các ngôi làng cổ ở Bắc Bộ. Cách đình vài chục mét, nằm bên hữu là chùa Ngự Câu, tạo thành một quần thể di tích hoàn chỉnh.

Nghi môn đình có cấu trúc kiểu trụ biểu gồm 3 cửa hình vuông nhìn qua một hồ nước, phía sau là sân gạch với 2 dãy tả - hữu vu. Đình mang kiến trúc hình chữ “Đinh”. Tòa đại đình gồm ba gian hai chái; dài 10,5m, rộng 4,5m; chia thành 3 gian lớn. Gian giữa là chính điện thông với hậu cung. Các gian bên hồi lát sàn gỗ lim, cao 0,5m so với gian giữa. Mái đình lợp ngói ri, các góc có đầu đao uốn cong thanh thoát. Gian bên trong đình là nơi phối thờ 8 vị thành hoàng làng, xếp theo thứ tự từ thánh Nhất đến thánh Bát. Hậu cung được làm theo kiểu nhà sàn, gồm 2 gian: Gian ngoài thờ vợ chồng Bố Cái Đại vương Phùng Hưng; gian trong đặt kiệu và đồ thờ tự.

Trong đình Ngự Câu hiện còn giữ được nhiều di vật quý như long ngai, bài vị, kiệu bát cống, cuốn thần phả được sao lại năm 1919 cùng 14 đạo sắc phong, đạo sớm nhất có niên đại Lê Cảnh Hưng thứ 28 (1767). Ngoài ra, trong đình còn có bức hoành phi ở chính điện, các câu đối cổ treo trên hàng cột lim, các mảng chạm khắc tinh xảo trên các bức cốn...

Hằng năm, lễ hội đình Ngự Câu được tổ chức vào ngày 10 tháng Hai âm lịch, cùng với lễ hội của các làng An Hạ, Lại Dụ, Đào Nguyên, Thanh Quang để tưởng niệm các vị thành hoàng. 5 năm một lần, hội chính được tổ chức ở cả 5 làng, tạo nên không khí lễ hội vô cùng náo nhiệt, trong đó, hấp dẫn nhất là màn rước kiệu giữa các làng.

Năm 1990, đình và chùa Ngự Câu được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Thủy Hương

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 06/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT