Non nước Việt Nam

Đình Vĩnh Phú (Phú Yên) - nơi lưu giữ hồn quê bên dòng sông Ba

Cập nhật: 17/03/2023 16:11:15
Số lần đọc: 861
Đình Vĩnh Phú tọa lạc ở vùng hạ nguồn sông Ba. Đến đây, du khách như được đắm mình vào bầu không khí trong lành và trù phú của làng quê với một bên là dòng sông Ba êm đềm trong xanh, một bên là đồng lúa xanh ngát.


Đình Vĩnh Phú ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Nhật Kim

Đây không chỉ là nơi thờ tự tâm linh mà còn gắn kết cộng đồng dân cư; trung tâm thiết chế văn hóa, phong tục tập quán, hương ước của làng; là chứng tích văn hóa làng, nơi lưu giữ hồn quê và là niềm tự hào của người dân địa phương.

Tổng thể kiến trúc nghệ thuật

Đình Vĩnh Phú (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) được xây dựng khá sớm khi lưu dân người Việt có mặt ở đồng bằng Tuy Hòa. Đây là một trong số rất ít ngôi đình ở Phú Yên còn lưu giữ tài liệu đề cập về quá trình xây dựng, tu sửa. Hiện tại, đình Vĩnh Phú đang lưu giữ bản hương ước của làng biên soạn năm 1890 và văn bản vận động đóng góp xây dựng đình năm 1868; được viết bằng văn tự Hán Nôm cổ có giá trị. Từ lúc xây dựng cho đến nay, đình Vĩnh Phú trải qua 5 lần tu sửa, phục dựng.

Vào năm Tự Đức thứ 21 (1868), ban vận động do lý trưởng Đặng Văn Xứng cùng các vị chức sắc của làng khởi xướng vận động đóng góp phục dựng đình, vì trước đó người dân trong làng đã xây dựng ngôi đình thờ thần nhưng trải qua nhiều năm tàn lụi nên không còn dấu tích. Đợt vận động đã thu được 167 quan tiền và 284 hộc lúa. Đến mùa xuân năm 1869 thì hoàn thành việc phục dựng đình. Khoảng 10 năm sau, đình tiếp tục được tu sửa, xây dựng thêm một số công trình phụ trợ. Hương ước của làng Vĩnh Phú lập năm Thành Thái thứ 2 (1890) cho biết, người khởi xướng việc tu sửa, mở rộng là các ông Đặng Trạch, Nguyễn Sĩ... Đến năm 1970, do trải qua nhiều năm chiến tranh, đình Vĩnh Phú xuống cấp, một số công trình phụ trợ đổ sụp. Các bậc cao niên trong làng do Hà Công Trưởng đứng ra vận động kinh phí tu sửa. Đình được xây dựng lại theo kiến trúc nhà cấp 4, 2 gian, 2 mái lợp ngói. Năm 2006, đình Vĩnh Phú được trùng tu lần cuối từ nguồn kinh phí đóng góp của Nhân dân trong vùng. Đây là lần phục dựng thứ năm với kiến trúc cổ lầu, mái lợp ngói tây, vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép. Đây là ngôi đình khang trang, bề thế vào bậc nhất ở vùng đồng bằng Tuy Hòa.

Ông Nguyễn Văn Sanh, quản lý đình Vĩnh Phú giới thiệu về ngôi đình. Ảnh: Thúy Hằng

Đình Vĩnh Phú được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng có tổng diện tích 3.783m2. Cửa đình quay về hướng tây, đảm bảo yếu tố phong thủy và tận dụng hướng gió thoáng mát từ cánh đồng trải rộng trước mặt đình. Trong khuôn viên có 2 cây gạo cổ thụ điểm tô cho sự cổ kính của ngôi đình có lịch sử trên 100 năm tuổi. Đình Vĩnh Phú là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật có bố cục mặt bằng bao gồm nghi môn, sân đình và chánh điện. Trong đó, nghi môn xây kiểu tam quan, gồm cửa chính và 2 cửa phụ; cửa chính rộng 3,2m, gồm 2 trụ hình vuông cao 3,9m; phía trước hai bên trụ biểu gắn tấm biển ghi 3 chữ quốc ngữ lớn: Đình Vĩnh Phú. Cửa phụ nằm hai bên cửa chính rộng 1,2m, cao 2,6m, bên trên có gắn tấm biển ghi dòng chữ Hán: Tả môn và Hữu môn.

Chánh điện đình Vĩnh Phú xây dựng theo kiến trúc cổ lầu, gồm mái đình và bộ khung có 4 cột chính và 12 cột phụ bằng bê tông cốt thép. Đây chính là nơi hành lễ và tiến hành các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Cột chính cao 4,9m, cột phụ cao 2,8m. Phần cổ lầu được xây dựng kín 4 mặt, phía trước có khắc 3 chữ lớn Đình Vĩnh Phú. Mái đình gồm 2 lớp, lớp cổ lầu có 4 mái, trên nóc điêu khắc đôi rồng theo thế lưỡng long tranh châu.

Biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân

Đình Vĩnh Phú phụng thờ Thành hoàng của làng trong gian giữa chánh điện. Phía trên ban thờ thần có tấm hoành phi khắc 4 chữ Hán: Trường Cửu Vĩnh Đình. Hai bên thờ thần là 2 ban thờ Tả ban và Hữu ban. Ban thờ Tiền hiền và Hậu hiền vuông góc với ban thờ Tả ban và Hữu ban. Ngoài hệ thống thờ phụng trong chánh điện thì phía góc trái sân đình có ban thờ Thổ thần lộ thiên.

 

Đình Vĩnh Phú là một trong những điểm sinh hoạt cộng đồng thu hút người dân trong thôn. Ảnh: Thúy Hằng

Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, cầu phúc, cầu lộc, cầu may mắn của người dân trong vùng. Trước năm 1945, đình Vĩnh Phú cúng tế vào mùa thu. Ban chức sắc trong làng chọn một ngày tốt để tế đình. Hương ước năm 1890 chép: “Tiết Trung thu hàng năm, cai đình chọn ngày tốt chi khoảng 70 quan tiền và 6 hộc gạo để mua sắm lễ vật, trước đó 1 ngày cúng tế mời thần về chứng giám”. Việc tế lễ có nghi thức rước sắc và nghinh thần. Ngày nay, lễ cúng đình Vĩnh Phú là ngày 16/8 (âm lịch) hàng năm, bao gồm các nghi thức: lễ tế Thành hoàng, lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền, tế Thổ thần. Đây là dịp để Nhân dân trong làng báo cáo các vị thần linh, Thành hoàng làng về kết quả lao động trong năm qua, đồng thời cầu mong thần linh, Thành hoàng làng tiếp tục phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn. Nhiều người dân trong làng đi làm xa nhớ ngày lễ cúng đình cũng tranh thủ về thắp hương Thành hoàng làng. Ngày lễ cúng đình cũng là dịp người dân trong làng chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống, sản xuất, ôn lại truyền thống tốt đẹp của làng cũng như gia tăng tinh thần đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm.

Đình Vĩnh Phú là một công trình có giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh của người dân, ngôi đình gắn liền với quá trình lập làng của cộng đồng dân cư bên dòng sông Ba. Đến thăm đình Vĩnh Phú, du khách sẽ tìm thấy sự an lành, thư thái trước cảnh sắc của làng quê thanh bình, yên ả, đắm mình trong không gian tâm linh, bao nhiêu phiền muộn được giải tỏa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Vĩnh Phú vẫn là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân.

Việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa tinh thần tồn tại qua bao thế hệ tại đình Vĩnh Phú thể hiện sự tri ân các giá trị truyền thống của cha ông đối với cuộc sống hôm nay.

 TS. Đào Nhật Kim

Nguồn: Báo Phú Yên - baophuyen.vn - Đăng ngày 12/03/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT