Doanh nghiệp chung tay khắc phục khó khăn trong phòng chống dịch Corona
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch đã góp ý, đưa ra kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn của ngành Du lịch trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV nhằm sớm khôi phục lại hoạt động du lịch trong thời gian tới. Nhìn chung các đại biểu tham dự hội nghị, đặc biệt là các doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần lạc quan sớm vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết do ảnh hưởng của dịch nên thị trường khách nội địa của hãng đã bị hủy khoảng 40% lượng vé, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài (Outbound) hủy 40-50%, khách châu Âu đến Việt Nam hủy với tỷ lệ thấp hơn (khoảng 10-15%), lượng khách hủy tour nhiều nhất là thị trường Trung Quốc và các nước thuộc Đông Bắc Á như Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc (70-80%). Tuy nhiên trên tinh thần hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với khách hàng, hãng đã chỉ đạo xem xét đổi và điều chỉnh dịch vụ cho khách trong khoảng thời gian 6 tháng (đặc biệt là khách từ vùng dịch).
Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, mặc dù phải dừng toàn bộ các chuyến bay tới Trung Quốc từ ngày 1/2, nhưng trong khó khăn hãng vẫn xúc tiến và mở đường bay mới để thu hút khách từ các thị trường đầy tiềm năng khác như Ấn Độ.
Đối với Vingourp, Phó Chủ tịch tập đoàn Lê Khắc Hiệp cho biết, Lãnh đạo Tập đoàn đã thống nhất và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện với tinh thần khó khăn hoạn nạn cùng chia sẻ. Cụ thể, tập đoàn sẽ thực hiện việc hoàn trả phần lớn chi phí hoặc lùi thời hạn đặt dịch vụ của các đối tác và khách du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú của Vingourp cũng sẵn sàng phục vụ các du khách phải ở lại sau khi đã hết chương trình nhưng không về được vì các chuyến bay bị hủy. Mặc dù tốn thêm chi phí nhưng tập đoàn vẫn chấp nhận để góp phần xây dựng hình ảnh của đơn vị nói riêng và quốc gia nói chung.
Đại diện tập đoàn Sungroup cho biết, chỉ cần hết dịch 1 tuần là khách trong nước đã có nhu cầu du lịch, hơn nữa trong cơ cấu khách của Sungroup lượng khách nội địa chiếm khoảng 60%, vì vậy sự ảnh hưởng đối với Sungroup là không quá lớn. Nhưng doanh nghiệp không thể ngồi chờ hết dịch mới hành động mà ngay trong tháng 3 tới, tập đoàn này sẽ phối hợp cùng phía hàng không, các đối tác tung ra sản phẩm du lịch kích cầu dành cho thị trường nội địa.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng thị trường khách quốc tế cần nhiều thời gian để phục hồi hơn thị trường khách nội địa. Do vậy, ông đề nghị cần phải xây dựng chương trình kích cầu du lịch cho từng thị trường quốc tế để triển khai ngay khi có thể, trong đó cần ưu tiên các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đỗ Thị Hồng Xoan, qua kiểm tra và báo cáo nhanh ở các địa phương cho thấy, những địa phương nào phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc thì bị ảnh hưởng nhiều. Còn tại các tỉnh ở Tây Nguyên công suất buồng phòng vẫn đạt mức ổn định, đặc biệt là Đà Lạt đạt trên 80%. Hay tại Hà Nội, chỉ những khách sạn phụ thuộc vào nguồn khách Đông Bắc Á là vắng, còn các khách sạn khác như Metropole vẫn hoạt động bình thường. Bà Xoan đề nghị cần cố gắng duy trì các hoạt động du lịch bình thường ở những nơi không bị ảnh hưởng của dịch trên cơ sở tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời Thứ trưởng giao Tổng cục Du lịch tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch ứng phó với dịch nCoV của ngành, xây dựng kế hoạch triển khai ngay các giải pháp phục hồi thị trường; kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời gian sớm nhất. Thứ trưởng tin tưởng với tinh thần đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp… ngành Du lịch sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để hướng tới tương lai tốt hơn./.
Thế Phi