Độc đáo Bảo tàng Đồng quê tại Nam Định
Du khách tham quan, chiêm ngưỡng những mô hình nhà nông thôn Bắc Bộ qua các thời kỳ.
Nét quê Đồng bằng Bắc Bộ thu nhỏ
Bảo tàng Đồng quê ở địa chỉ xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định hoạt động từ 12 năm nay, đến giờ đã trở thành một trong những địa chỉ phục vụ cho hoạt động giáo dục trải nghiệm và là điểm đến thu hút du lịch.
Tọa lạc trên diện tích 5.000m2, Bảo tàng Đồng quê hấp dẫn du khách bởi tái hiện lại cơ bản cuộc sống chân quê, dân dã của cư dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Bảo tàng gồm 3 khu trưng bày chính: Khu trưng bày ngoài trời; khu trưng bày trong nhà; khu văn hóa ẩm thực đồng quê.
Từ cổng bước vào là khu trưng bày ngoài trời, tái hiện những mô hình nhà ở bình dị, gần gũi gắn liền với đời sống nông thôn vùng quê Bắc Bộ. Ở đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những mẫu nhà tranh vách đất được lợp bằng rơm rạ của bần cố nông những năm 30, 50 của thế kỷ trước; ngôi nhà trung nông với bờ tường xây luồn gianh lợp cói; nhà địa chủ với nhà ngói, gỗ lim; nhà gác tường có từ những năm 60 của thế kỷ trước được trồng nhiều cây như cây sung, cây cau... Ngoài ra, Bảo tàng Đồng quê còn có hệ sinh thái thực vật phong phú gồm nhiều cây ăn quả, ao cá và mảnh ruộng lúa...
Ở khu trưng bày trong nhà là tòa nhà 4 tầng nằm chính giữa trung tâm bảo tàng. Nơi đây, trưng bày nhiều hiện vật, hiện kim quý qua các thời kỳ. Tầng 1 là không gian trong nhà chủ yếu giới thiệu cho khách tham quan những kỷ vật chiến trường của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại tầng 2 và tầng 3 là khu trưng bày liên quan đến hàng nghìn hiện vật của vùng quê Bắc Bộ: Công cụ lao động sản xuất nông nghiệp, nghề muối, nghề biển... Các dụng cụ chủ yếu liên quan đến nghề trồng lúa và cuộc sống sinh hoạt của người dân quê Bắc Bộ như: Nồi, mâm, sanh đồng, đèn dầu, tiền xu, tiền giấy Đông Dương...
Tầng 4 là thư viện mini nhỏ trang bị hơn 1.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ năm 1945 mà nhiều thư viện khác không có. Và đây cũng là nơi sử dụng không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân địa phương.
Bà Ngô Thị Khiếu kể về chiếc mâm đồng được mua lại từ những người bán đồng nát.
Điểm hẹn lý tưởng cho du khách
Chủ nhân của Bảo tàng Đồng quê là giáo viên về hưu Ngô Thị Khiếu và chồng Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền. Nói về cơ duyên thực hiện một bảo tàng cá nhân có sức hấp dẫn đến lạ, bà Khiếu kể: “Một lần chứng kiến mấy cô thu gom đồng nát mua được những mâm đồng, nồi đồng và đập nát chúng, tôi tiếc quá bèn mua lại. Đây là những hiện vật xa xưa, gắn liền với đời sống của người nông dân thời trước và cũng là phần ký ức đẹp đẽ từ thời ông bà ta để lại, nhìn chúng bị đập móp mà xót xa. Sau khi mua lại những chiếc mâm đồng, tôi bèn để ý tìm mua nhiều món đồ khác như bát, đĩa, nồi, niêu… Từ đó, tôi tìm thấy đam mê sưu tầm những món đồ cổ dân dã xưa”.
Năm 2010, vợ chồng bà Ngô Thị Khiếu được mời về tham dự lễ khánh thành trường mầm non tại Giao Thủy. “Khi thấy cơ sở của trường còn khó khăn, chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng mở một thư viện nhỏ để làm nơi vui chơi cho các bạn nhỏ. Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ địa điểm, chúng tôi đã mở một thư viện cho học sinh tới. Đồng thời, chúng tôi cũng trưng bày những hiện vật đồng quê đã sưu tầm từ trước. Dần dần, nơi đây trở thành bảo tàng nhỏ và thư viện cho học sinh các trường trên địa bàn đến trải nghiệm, học tập”, bà Khiếu cho biết.
Bộ sưu tầm những chiếc mâm đồng của bà Khiếu tại Bảo tàng Đồng quê.
Một trong những nét đặc sắc của Bảo tàng Đồng quê là ngoài các không gian tái hiện cuộc sống nông thôn, tại đây còn trình diễn và giới thiệu ẩm thực đặc sắc của vùng quê Bắc Bộ. Du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng đậm hồn quê Việt Nam như: Cơm cá kho, canh cua cà, miến dong, làm tương bần… Du khách đến tham quan sẽ được trải nghiệm làm bánh gai truyền thống hoặc tự tay hái rau, câu cá, xay thóc, giã gạo. “Chúng tôi tự trồng rau, thả cá, nuôi gà, nuôi lợn để cung cấp thực phẩm sạch, chế biến món ăn dân dã cho du khách tham quan, đồng thời để du khách cảm nhận chân thực hơn cuộc sống vất vả của người nông dân xưa và nay”, bà Khiếu nói.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bảo tàng Đồng quê từng có thời gian phải đóng cửa, không có khách. Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp với Hội lữ hành Hà Nội, Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen đến khảo sát địa điểm để hình thành các tour du lịch kết nối du khách từ Hà Nội về Nam Định. “Giờ du lịch đang dần khôi phục, Bảo tàng Đồng quê đã chính thức mở cửa trở lại. Hiện nay, bảo tàng không chỉ đón những đoàn học sinh, người dân trong tỉnh mà du khách Hà Nội và nhiều nơi khác đã tìm tới khá đông”, bà Khiếu hồ hởi cho biết.
Bộ bàn ghế của những gia đình trung nông xưa.
Không gian ở của gia đình địa chủ xưa.
Bộ gàu guồng - dụng cụ đưa nước vào ruộng.
Bộ sưu tầm đồ dùng sinh hoạt bằng gốm men thế kỷ VII-X.
Hoàng Lân