Độc đáo gùi 'Tà lắt 3 ngăn' của người Cơ Tu
Già làng Nguyễn Văn Cần (74 tuổi, trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) - “chuyên gia” làm các loại gùi - cho hay, nhìn chung, phần lớn các bộ phận của gùi được đan, nứt… bằng các loại mây. Đồng bào vùng cao thường chế tác thân gùi có hình chữ V, đế nhỏ, miệng to; còn đồng bào ở vùng thấp thì chế tác miệng và đáy gùi tương đối bằng nhau. Ở vùng thấp, đế gùi đan bằng mây (sợi lớn); ở vùng cao, người ta dùng 4 miếng tre hoặc gỗ để làm đế. Dây mang gùi được đan bằng mây xà phun, mây song, mây cám vót mỏng hoặc vỏ cây lạch để đan. Nếu đan bằng mây, thì dây bền, chắc hơn. Thông thường, một “đời dây” dùng đến “hai đời” gùi.
Theo cố già làng Trương Văn Nhơi (trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), ngày trước muốn có một cái gùi, cái tà lắt, cái khách tà mòi đẹp và chắc, bà con phải vào rừng sâu bứt các loại mây mang về đan. Thời gian để hoàn thành một sản phẩm, ví dụ như gùi “dã chiến” để gùi củi, sắn, khoai, đan bằng mây nước, chỉ đan đôi, ba ngày thì xong, nhưng nhanh hỏng. Tuy nhiên, có những cái đẹp hơn thì phải đan vài tháng mới hoàn thành. Một cái gùi đan công phu, bằng các loại mây chắc bền có thể sử dụng khoảng nửa đời người (30 năm). Khi không dùng, bà con treo gùi trên giàn bếp, vì thế những vật dụng này có màu cánh kiến, rất bền vì không mối mọt hay bị ẩm mốc…
Già làng Cần kể rằng, ngày trước, muốn có một cái gùi tà lắt 3 ngăn của đàn ông Cơ tu mang đẹp và chắc, họ phải vào rừng sâu để tìm những loại mây chắc như mây xà phun, mây rã, mây song, mây cám mang về đan. Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian. Cái tà lắt cũng tương tự như cái gùi thường, nhưng phần thân ngắn và nhỏ hơn, được thiết kế thêm hai ngăn nhỏ ở hai bên thân gùi. Hai ngăn này được dùng để mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa để đi rừng, rẫy…
Đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian. Loại tà lắt này dành cho cánh đàn ông mang. Thời gian để hoàn thành cho loại gùi này từ 2 - 3 tháng. Với gùi 3 ngăn được đan nan long mốt kết hợp với nhiều kỹ thuật đan tinh xảo khác nhau nên hình dáng gùi tà lắt có nét nghệ thuật rất độc đáo.
Già làng Cần bộc bạch: “Hiện nay, lớp trẻ không học đan gùi. Mấy năm trước trong thôn chỉ còn vài người đan được loại gùi đẹp nhưng các ông ấy đã về bên kia thế giới.
Giờ thôn Phú Túc chỉ còn vài người già biết đan nhưng mắt của họ đã mờ, tay chân yếu, không còn vào rừng bứt mây được nữa. Lớp trẻ ngày nay chỉ thích “đan” trên điện thoại thôi. Chúng tôi phải làm cho chúng quý trọng văn hóa gùi mới được”. Tôi như “đọc” được tình cảm, niềm tin và sự quyết tâm trong câu nói của già Cần mong khôi phục nghề đan lát của đồng bào Cơ tu ở hai xã miền núi Hòa Vang này./.
Theo các bậc cao niên trú tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú: Cái gùi: tiếng Cơ Tu gọi là dòng, là một loại gùi tương đối lớn. Tùy theo mục đích sử dụng trong các hoạt động mà đan cho phù hợp. Muốn gùi củi, sắn, khoai… thân gùi được đan thưa và lớn; còn nếu gùi gạo, lúa, muối… thì thân gùi phải đan kín (khít). Thông thường, phụ nữ là người mang những gùi này. Cái tà lắt cũng tương tự như cái gùi, nhưng phần thân ngắn hơn, được thiết kế thêm hai ngăn nhỏ ở thân gùi, hai ngăn này được dùng để mang các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa… để đi rừng, rẫy… đây là loại gùi được đan rất công phu và mất nhiều thời gian. Loại tà lắt này có 3 ngăn dành cho cánh đàn ông mang. Cái rê cao khoảng 25cm, đan kín, người phụ nữ đeo vào trước bụng, khi thu hoạch lúa rẫy, dùng hai tay trút lúa bỏ vào rê. Cái chuy bề ngang khoảng 12cm, cao khoảng 20cm, đan kín. Khi tỉa lúa trên rẫy, người phụ nữ đeo cái chuy ở bên hông, trong chuy đựng lúa, bắp… giống để lấy ra tỉa. Khách tà mòi là một loại gùi nhỏ, rất độc đáo, được đan công phu, tỉ mỉ, có cái được trang trí những hoa văn mang hình tượng truyền thống của người Cơ Tu. Đây là loại gùi dành riêng cho phụ nữ chuyên mang quà như rượu, thuốc, trà… đi biếu anh em, cha mẹ, sui gia, hay các cô sơn nữ Cơ Tu mang trong múa điệu “Tung tung dá dá” trong lễ Đâm trâu, Ăn cơm mới… |