Non nước Việt Nam

Độc đáo Lễ Kỳ yên của dân tộc Ngái - Tuyên Quang

Cập nhật: 28/12/2023 11:21:53
Số lần đọc: 893
Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào dân tộc Ngái thường tổ chức Lễ Kỳ yên vào dịp đầu xuân mới, là một nét đẹp văn hóa phi vật thể được đồng bào dân tộc Ngái lưu truyền qua nhiều thế kỷ. Qua đây cũng khẳng định sự tồn tại, phát triển không ngừng của một dân tộc vốn rất ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.


Con em đồng bào dân tộc Ngái thích thú khi được nghe người già kể về nghi thức Lễ Kỳ yên.

Theo lời kể của các bậc cao lão dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ): Lễ Kỳ yên được tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Mục đích thực hiện nghi lễ thể hiện sự biết ơn của con người với trời, đất, với tổ tiên; đồng thời cầu trời cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nhà nhà được áo ấm, no cơm, có cuộc sống bình an, không bệnh tật.

Đồng bào dân tộc Ngái tin rằng mọi vật đều có linh hồn, nên lễ vật dâng cúng là các sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay mình làm ra. Ngoài lương thực, thực phẩm, cạnh mâm lễ còn có một số dụng cụ lao động sản xuất; một số nhạc cụ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần là thanh la, tù và.

Đặc biệt quan trọng là bức tranh “Tam Thanh Ngọc đế”. Tranh khắc họa 3 vị thần tiên tối cao, gồm các chư vị: Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn; Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Cõi mà Nguyên Thủy Thiên Tôn ngự gọi là Thánh cảnh. Cõi Linh Bảo Thiên Tôn ngự gọi là Chân cảnh. Cõi Đạo Đức Thiên Tôn ngự là Thanh cảnh.

Quan niệm trên có trời, dưới có đất. Giữa trời - đất có con người và vạn vật chúng sinh. Chính vì thế đồng bào dân tộc Ngái luôn tôn trọng tự nhiên, tuân theo lẽ tự nhiên, nên việc thực hành nghi thức trong Lễ Kỳ yên rất trang trọng. Thầy cúng là nhân vật chính, đầu đội mũ hòa thượng, thân mang áo cà sa sẽ trực tiếp kiểm tra lại các lễ vật dâng cúng các vị thần tiên lần cuối. Thấy đầy đủ rồi thì tự tay lên hương.

Lúc 3 nén hương đỏ lửa, tỏa thơm cũng là lúc tiếng tù và rúc lên, kèm theo đó là tiếng thanh la hối thúc lúc dồn dập, khi khoan thai như có một đoàn người rầm rầm tiến bước. Thầy cúng dẫn đầu một nhóm thanh niên khỏe mạnh đi vòng quanh sân lễ theo hình bát quái, tượng trưng cho việc đoàn người đi lên trời báo cáo công quả của một năm lao động với các vị tiên. Vừa đi, mọi người vừa múa hát phấn chấn theo tiếng thanh la, tù và, tạo không khí trang trọng nhưng vui nhộn.

Ca từ trong bài hát có nội dung báo cáo với các vị thần tiên tối cao về kết quả lao động sản xuất của bà con trong cộng đồng dân tộc Ngái về một năm đã qua. Đồng thời tạ ơn trời đất, các vị thần tiên đã ban cho ngọc thực và các thực phẩm nuôi sống con người. Nhân “tháng lành, ngày lành, giờ lành” và lòng lành của con cháu cầu xin các vị thần tiên độ cho mọi người mạnh khỏe, nhà nhà an vui, hạnh phúc, mưa gió thuận hòa, không thiên tai, không chiến tranh, dịch bệnh, ngô thóc đầy bồ, người già khỏe lại, con cháu được học hành tấn tới.

Bà con dân tộc Ngái ở tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cùng con em dân tộc Ngái đang theo học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.

Do có ít nhân khẩu hơn so với các dân tộc trong cùng địa bàn, nên nhiều sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Ngái thường theo một số dân tộc khác, thậm chí coi đó như của dân tộc mình. Hằng năm, ngoài Lễ Kỳ yên được tổ chức đầu xuân mới, trong năm nhiều gia đình người Ngái tự mời thầy về làm lễ cầu an cho các thành viên trong gia đình. Nhất là với những gia đình liên tục gặp điều không may mắn, họ cũng mời thầy về làm lễ cúng giải hạn, với niềm tin được các vị thần tiên ban cho sức khỏe, làm ăn tấn tới...

Một mùa Xuân mới đã rất gần. Đào, mận chuẩn bị khoe hoa, đồng bào dân tộc Ngái cũng chuẩn bị cho mình một cái tết tươm tất, có đủ gà, xôi, và các thức món để dâng cúng gia tiên. Theo lời các cụ ở Tam Thái: Lễ Kỳ yên có giết trâu, mổ lợn, cả làng cùng tham gia thực hành nghi lễ. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước đây. Bởi từ lâu ở Thái Nguyên Lễ Kỳ yên của đồng bào dân tộc Ngái được gác lại. Chính vì thế đồng bào dân tộc Ngái đau đáu nuối nhớ, mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khôi phục, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Lễ Kỳ yên...

Chí Cường

Nguồn: Báo Thái Nguyên - baothainguyen.vn - Đăng ngày 28/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT