Non nước Việt Nam

Hà Nam: Bảo tồn Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia

Cập nhật: 29/12/2023 12:02:47
Số lần đọc: 1051
Ngày 28.12, Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam, UBND thị xã Duy Tiên (Hà Nam) phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia".  

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, các nhà quản lý và đại diện cộng đồng nhân dân tập trung làm sáng tỏ những khía cạnh chủ yếu liên quan đến việc Bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch quốc gia như: Nhận diện những giá trị và vị trí, vai trò của lễ hội Tịch điền-Đọi Sơn trong tiến trình lịch sử dân tộc; những giá trị đặc sắc, đặc trưng di sản văn hóa và hình thức tổ chức lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn. Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn trong đời sống đương đại. Vấn đề khai thác tài nguyên di sản văn hóa, kết nối không gian văn hóa lễ hội Tịch điền-Đọi Sơn với các trọng điểm du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, tạo động lực phát triển du lịch Hà Nam….

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức nhấn mạnh, Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Hà Nam. Sau 15 năm phục dựng, Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức long trọng, hiệu quả và phát huy được giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, Hội thảo với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn gắn với phát triển du lịch, khai thác tiềm năng liên kết, hợp tác giữa các địa phương nhằm khai thác không gian lễ hội Tịch điền-Đọi Sơn, kết nối với các nguồn lực văn hóa - du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng những giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội Quốc gia Tịch điền-Đọi Sơn; quảng bá tiềm năng du lịch bền vững của vùng văn hóa Châu thổ sông Hồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Hội thảo lần này sẽ làm sáng tỏ hơn và khẳng định các giá trị tiêu biểu của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ Tịch điền - Đọi Sơn; nêu bật những thành tựu cần phát huy, chỉ ra những tồn tại, bất cập cần khắc phục; qua đó kiến nghị các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di sản trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, đồng thời khai thác, kết nối tài nguyên du lịch Quốc gia không gian Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn.

Thông qua Hội thảo, sẽ giúp những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, lịch sử của Hà Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp để quy hoạch, bảo tồn, phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Tịch điền - Đọi Sơn, đồng thời sẽ tạo nền tảng quan trọng cho các chính sách, cơ chế mới giúp cho “du lịch văn hoá” ở Hà Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức với mục tiêu để các di sản văn hóa "sống" trong cộng đồng, việc quảng bá hình ảnh của những giá trị di sản văn hóa, xúc tiến du lịch nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội là điều hết sức cần thiết và phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, có lộ trình thích hợp trong bối cảnh mới. Nội dung của Hội thảo sẽ làm làm rõ những vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc bảo vệ, phát huy lễ hội Tịch điền như sau: Thứ nhất, khẳng định giá trị đặc sắc di sản văn hóa phi vật thể được ghi trong danh mục quốc gia: Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn. Thứ hai, đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn. Thứ ba, khai thác tài nguyên di sản văn hoá, kết nối không gian văn hóa vùng Đọi Sơn tạo động lực phát triển du lịch tỉnh Hà Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15.9.2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời tin tưởng, với tinh thần làm việc khoa học nghiêm túc, đầy trách nhiệm và cởi mở của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa tại địa phương, Hội thảo sẽ có được những giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Tịch điền hiệu quả và phù hợp với những vấn đề của thực tiễn đang đặt ra.

Tái hiện cảnh nhà Vua xuống đồng cày ruộng đầu năm mới tại lễ hội

Theo nhiều tài liệu ghi lại, Lễ hội bắt đầu từ sự kiện vị vua nổi tiếng thời Tiền Lê là Lê Đại Hành (Lê Hoàn) về chân núi Đọi vào mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987) làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp, cầu mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an. Kể từ đó, Lễ hội trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau duy trì thực hành. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc duy trì Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn có lúc gặp khó khăn, bị gián đoạn trong một thời gian dài. Đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Bộ VHTTDL chính thức khôi phục lại Lễ hội, diễn ra vào mùng 5 - 7 tháng Giêng.

Từ năm 2010, Lễ hội được UBND thị xã Duy Tiên và cộng đồng nhân dân địa phương tiếp nhận tổ chức, duy trì thực hiện và trở thành lễ hội thường niên quan trọng của tỉnh Hà Nam.

Nguyễn Linh

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 28/12/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT